Người đàn ông mắc bệnh hiếm gặp sau khi bị chuột cắn
VietNamNet đưa tin, các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho nam bệnh nhân tên T. (39 tuổi, trú tại Hà Tĩnh) mắc bệnh hiếm gặp sau khi bị chuột cắn.
Trong lúc tắm, anh T. giẫm phải chuột cống và bị cắn vào mu bàn chân phải. Bốn ngày sau, vết thương mưng mủ, đau, nổi hạch và sốt cao toàn thân liên tục. Anh T. được đưa vào Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu và được chẩn đoán mắc bệnh Sodoku do chuột cắn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Đạt, bệnh Sodoku được điều trị theo phác đồ kháng sinh. Nếu chữa không đúng có thể dẫn tới biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, áp xe nơi cư trú.
Người đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh Sodoku do chuột cắn. Ảnh: VietNamNet
Bệnh Sodoku do chuột cắn là bệnh hiếm gặp, nhiễm trực tiếp qua các vết cắn hoặc vết cào, gián tiếp thông qua tiếp xúc, ăn đồ có lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh. Chuột mang vi khuẩn trong cơ thể nhưng không có triệu chứng, chỉ một số ít trường hợp có biểu hiện.
Bác sĩ khuyến cáo nếu bị chuột cắn, mọi người cần làm sạch vết thương bằng nước sát trùng và theo dõi. Nếu xuất hiện tình trạng nổi hạch, sốt, mưng mủ cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân 69 tuổi nhập viện vì uống thuốc quên bóc vỉ
Báo Hà Tĩnh đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa gắp thành công một viên thuốc nguyên vỉ sắc nhọn trong hành tá tràng của bệnh nhân T.T.T (69 tuổi, trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Cách đây 2 ngày, người bệnh uống thuốc và có cảm giác nghẹn ở vùng họng, lan xuống vùng thượng vị. Sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu đau nhiều ở vùng thượng vị, buồn nôn, nôn nhiều nên đã được người nhà đưa đi nhập viện tuyến dưới.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán có xuất hiện dị vật ở hành tá tràng và viêm loét dạ dày. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Qua hội chẩn và làm các cận lâm sàng, các bác sĩ khoa Nội tổng hợp đã tiến hành nội soi dạ dày gắp dị vật cho bệnh nhân.
Kíp nội soi đã gắp dị vật là một viên thuốc chưa tách khỏi vỉ, kích thước trên 2x2cm nằm tại vị trí giữa lỗ môn vị và tá tràng. Do viên thuốc nguyên vỏ có các cạnh gây sắc nhọn nên đã gây nhiều khó khăn trong quá trình soi gắp. Sau soi gắp, bệnh nhân đỡ đau bụng, ổn định và ăn uống bình thường. Bệnh nhân dự kiến sẽ được xuất viện vào ngày 23/5.
Việc quên bóc vỏ rồi uống thuốc hay mắc xương ở người lớn không phải là tình trạng hiếm gặp, do đó bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên uống một lần nhiều viên thuốc, đặc biệt lưu ý phải lấy hết thuốc ra khỏi vỏ. Đồng thời, không nên nói chuyện trong khi uống thuốc hay ăn uống.
Trường hợp người bệnh sau khi nghi ngờ sặc hay nuốt bất cứ dị vật nào nên đến khám ngay tại cơ sở y tế để tránh biến chứng nặng. Thời gian dị vật càng lâu trong cơ thể càng tăng mức độ nặng của biến chứng.
Cấp cứu thành công người đàn ông bị ngất, co giật giữa cánh đồng
VTC News dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho hay, các bác sĩ mới cấp cứu tại chỗ thành công cho trường hợp anh D. (41 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ) bất ngờ bị ngất, co giật giữa đồng khi đang gặt lúa.
Sau xử trí tại chỗ kịp thời, bệnh nhân được đưa về Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương Kim Xuyên truyền bù dịch, bù nước. Sau hơn 1 giờ theo dõi tích cực, người bệnh đã ổn định, ra viện và tiếp tục theo dõi tích cực tại gia đình.
Say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt). Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân
Theo các bác sĩ, đây là thời điểm nắng nóng gay gắt và là mùa thu hoạch lúa, màu. Người nông dân thường hay gặp phải một số vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng, thậm chí là đột quỵ do nắng nóng. Vì vậy, khi đi làm người dân cần uống nhiều nước.
Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp - khoa Cấp Cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt do tiếp xúc với nhiệt độ môi trường tăng cao hoặc tăng hoạt động thể lực quá mức, vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt dẫn đến rối loạn mất khả năng kiểm soát thân nhiệt. Say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt).
Đinh Kim (T/h)