Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Chàng trai sát hại cả nhà 5 người rồi tự sát
Timerlan và mẹ của mình - Ảnh: VK.com |
Theo RT, án mạng tàn nhẫn xảy ra hôm chủ nhật 18/8 đang làm xôn xao ngôi làng nhỏ thuộc vùng Ulyanovsk của Nga.
Nghi phạm là thiếu niên 16 tuổi tên Timerlan, vốn là 1 trong những học sinh xuất sắc nhất trường, luôn đạt điểm cao và còn tham gia kì thi học sinh giỏi. Ở nhà, theo bạn bè quan sát, Timerlan cũng là niềm tự hào của gia đình.
Cậu hòa đồng, vui vẻ và chưa từng nói lời lẽ tiêu cực. Mặc dù thiếu vắng tình thương của bố nhưng Timerlan vẫn phát triển tính cách bình lặng, hòa nhã.
"Bà cậu ấy luôn xem cháu trai là cả thế giới của mình", một người bạn của gia đình xấu số cho biết.
Tuy nhiên mọi hình ảnh tươi đẹp về Timerlan đã vụn vỡ kể từ đêm chủ nhật, khi y dùng rìu sát hại 5 thành viên gia đình gồm ông bà, mẹ, em trai 4 tuổi và em gái ruột thịt của mình.
Đến sáng thứ hai 19/8 theo giờ địa phương, 5 thi thể đã được phát hiện.
Ngay sau đó, cảnh sát cũng đã tìm thấy thi thể của nghi phạm dưới chân một trụ tháp di động, có thể do y nhảy xuống tự sát.
Ngoài những thông tin kể trên, những tình tiết khác của vụ án chưa được cảnh sát chính thức công bố.
Nhưng theo một nguồn tin, Timerlan đã để lại một bức thư tuyệt mệnh giải thích về động cơ tàn sát của mình. Mảnh giấy viết: "Tôi quyết định rời khỏi cuộc đời và để cho người thân không buồn bã, tôi sẽ đưa họ theo với mình".
Trong khi đó, một người bạn tuổi teen của Timerlan cho biết đã nhận được tin nhắn thoại của nghi phạm vào khoảng 3 giờ sáng, có thể là ngay trước vụ thảm sát.
Trong đó, Timerlan than phiền về "xung đột vĩnh viễn" với mẹ cùng hai đứa em của mình và "tất cả chỉ kết thúc bằng cái chết".
Timerlan cũng nói yêu ông bà mình rất nhiều, nên không muốn để họ ở lại đau buồn trước sự ra đi của toàn bộ gia đình.
Cảnh sát nghi ngờ thiếu niên 16 tuổi mắc chứng tâm thần phân liệt và đang tận dụng nguồn lực trong lĩnh vực tâm lí học, thần kinh học để xác minh điều này. Các hướng điều tra khác vẫn đang được triển khai.
Cứu bệnh nhân bị gãy đốt sống cổ dạng hiếm gặp
Bệnh nhân gãy mỏm nha đốt sống cổ dạng hiếm gặp - Ảnh: An ninh Thủ đô |
Chiều 20/8, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công ca bệnh gãy mỏm nha đốt sống cổ nguy hiểm, hiếm gặp.
Bệnh nhân là bà Đỗ Thị G. (66 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội), bị tai nạn giao thông, đã điều trị cấp cứu tại một bệnh viện khác rồi chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Lúc này, bệnh nhân có dập não vùng trán, xuất huyết dưới nhện lan tỏa nhiều chỗ. Các bác sĩ đã điều trị ổn định sọ não cho bệnh nhân, tuy nhiên những dấu hiệu đau cột sống cổ lại không giảm.
Vì thế, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân đi chụp Xquang cột sống cổ, CT Scanner, Cộng hưởng từ cột sống cổ và phát hiện được hình ảnh gãy mỏm nha đốt sống cổ C2. Theo bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, đây là 1 loại tổn thương hiếm gặp và khó chẩn đoán do rất ít dấu hiệu lâm sàng. Nếu không phát hiện kịp thời bệnh nhân có nguy cơ yếu liệt dần, thậm chí có thể đột tử do chèn ép hành tuỷ gây suy hô hấp.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, sự mất vững khớp C1-C2 có thể có tỷ lệ tử vong cao, thay đổi từ 13% đến 60%, tùy từng nghiên cứu. Vì vậy, bất kể bệnh nhân nào có tổn thương gãy ở vùng này đều cần được kiểm tra và can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay”, bác sĩ Kiên cho biết.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp mổ cố định đốt sống cổ C1-C2 bằng nẹp vít cho bệnh nhân G.. Xác định đây là một trong những vùng phẫu thuật khó khăn nhất của cột sống, tỷ lệ tai biến khi phẫu thuật khá cao, kíp phẫu thuật đã thực hiện rất tỉ mỉ, cặn kẽ và sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại bệnh nhân đang phục hồi tốt.
Các bệnh viện ở Đồng Nai quá tải vì bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng cao
Các bệnh nhân được bố trí gường bệnh nằm ngoài hành lang vì bệnh viện quá tải - Ảnh: TTXVN |
Ngày 20/8, tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) chật kín bệnh nhân, các phòng bệnh phải kê thêm giường, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép, hành lang cũng được tận dụng để kê thêm ghế cho bệnh nhân nằm.
Bác sĩ Đinh Văn Linh (cán bộ Khoa Nhiễm) cho biết: "Từ khi bước vào mùa sốt xuất huyết thì lượng bệnh nhân nhập viện mỗi ngày tăng cao, cường độ làm việc của các bác sĩ trong Khoa cũng tăng lên. Mặc dù 7h là giờ bắt đầu ngày làm việc theo quy định nhưng các bác sĩ đến từ 6h. Đến gần 10h ngày 20/8 tôi đã khám cho 60 bệnh nhân nội trú của Khoa".
Được biết, trong gần hai tháng qua các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn trong tình trạng quá tải như vậy. Điều dưỡng trưởng của Khoa Nhiễm Hoàng Thị Thùy Linh chia sẻ: Vào mùa bệnh sốt xuất huyết lượng bệnh nhân tăng cao.
Bệnh nhân đông nên ngày nào các bác sĩ cũng phải làm thêm giờ. Các bác sĩ, điều dưỡng viên bị hạn chế nghỉ phép trong thời gian này. Các nhân viên y tế ốm nặng mới được nghỉ, còn các trường hợp bị cảm, sốt "thường thường" thì vẫn phải làm việc.
Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai), cho biết thêm, việc để bệnh nhân nằm ghép, kê giường nằm hành lang là điều không mong muốn nhưng Khoa không thể làm khác được. Khoa thiếu nhân sự, hiện tại chỉ có năm bác sĩ. Ngoài việc điều trị các bệnh nhân nội trú thì Khoa còn phụ trách một phòng khám nhiễm ngoại trú của Bệnh viện nên khối lượng công việc rất nhiều.
Tương tự, khoảng hơn một tháng nay, Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cũng luôn trong tình trạng quá tải do bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện đông. Khoa chỉ có 100 giường bệnh nhưng phải kê thêm 70 giường nữa mới đủ chỗ cho người bệnh. Các điều dưỡng cứ ba ngày lại phải trực một đêm và ca trực kéo dài 22 tiếng. Khi gặp các ca bệnh nặng, các bác sĩ chỉ được ngủ 2 – 3 tiếng/ngày.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 20/8, toàn tỉnh ghi nhận gần 11.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong; tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018 (năm 2018 là hơn 2.600 ca).
Hiện tại đang vào mùa cao điểm của sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam, do đó các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Nếu được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng thuộc diện không phải nhập viện thì bệnh nhân cần tuyệt đối tuâ
Thêm trường hợp tắc ruột kinh hoàng vì trà sữa
Hình ảnh nội soi cho thấy một khối dị vật nghi là trà sữa tắc trong dạ dày và ruột bệnh nhân - Ảnh: Kiến thức |
Ngày 20/8, Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, nôn ra máu, đau tức bụng vùng thượng vị, đi ngoài phân lỏng. Khi tiến hành nội soi thì phát hiện khối dị vật nằm trong dạ dày và ruột non có khả năng bị tắc ruột.
Được biết bệnh nhân tên là Ngô Trần N.L (sinh năm 1999) trú tại xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).
Theo người nhà, bệnh nhân nghiện uống trà sữa trân châu, kéo dài trong nhiều năm. Thậm chí, bệnh nhân có thể không ăn cơm, không ăn sáng nhưng vẫn uống trà sữa trân châu đen.
Trước đó bệnh nhân có biểu hiện nôn, đau bụng, không ăn được và đi phân lỏng kéo dài nửa tháng mới nhập viện.
BS Tiến, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng, người trực tiếp điều trị ca bệnh cho biết, bệnh nhân nhập viện không có dấu hiệu của tắc ruột mà chỉ bán tắc ruột. Khi nội soi cho bệnh nhân thì phát hiện khối dị vật nằm ở trong dạ dày và ruột mà không thấy hình thể tắc ruột. Bệnh nhân sau đó đã được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị.
Quỳnh Chi (T/h)