Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/7/2019: Đang cử hành tang lễ, nam thanh niên bất ngờ bật dậy xin nước uống

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/7/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/7/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/7/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/7/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đang cử hành tang lễ, nam thanh niên bất ngờ bật dậy xin nước uống

Nam thanh niên bất ngờ hồi sinh ngay trong tang lễ của mình - Ảnh: Minh họa

Mới đây, một nam thanh niên bất ngờ sống lại ngay trong chính tang lễ của mình nhưng sau đó lại được bác sĩ kết luận là đã chết lần nữa khi người nhà đưa anh ta tới bệnh viện.

Vụ việc hy hữu xảy ra vào ngày 14/7 vừa qua tại thành phố Lucknow thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.

Theo Ibtimes, nam thanh niên này tên là Sanjay, 28 tuổi, bị chẩn đoán mắc bệnh vàng da và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương vào hồi đầu tháng.

Sau 5 ngày nằm viện, anh Sanjay được chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng bệnh tình của anh không những không thuyên giảm mà còn chuyển biến xấu hơn.

Rạng sáng 14/7, các bác sĩ kết luận anh Sanjay đã trút hơi thở cuối cùng nên người nhà đành đưa anh về để tổ chức tang lễ.

Tuy nhiên, khi đang cử hành tang lễ và các thành viên trong gia đình đang chờ đợi họ hàng tới dự nghi thức cuối cùng thì họ bất ngờ nhận thấy cơ thể của anh Sanjay cử động.

Sau đó, anh Sanjay đột nhiên mở mắt rồi ra hiệu rằng anh đang khát và muốn uống nước. Các thành viên trong gia đình vô cùng kinh hãi nhưng cũng ngay lập tức chạy đi lấy nước cho anh uống.

Sau khi uống nước xong được vài phút, anh Sanjay lại bất động. Anh Sanjay được người nhà đưa tới bệnh viện địa phương, nhưng sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng, các bác sĩ lại một lần nữa tuyên bố về cái chết của nam thanh niên này.

Hơn 96.000 ca mắc sốt xuất huyết, 11 ca tử vong

Số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết ngày càng tăng - Ảnh: Thanh niên

Ngày 19/7, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất (SXH) các tỉnh phía nam năm 2019.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 96.000 ca mắc SXH, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đã có 11 ca tử vong.

Các tỉnh có số ca mắc SXH nhiều nhất là TP.HCM với hơn 27.000 ca (5 ca tử vong), tiếp theo là Khánh Hòa gần 6.800 ca (1 ca tử vong), Đồng Nai gần 5.600 ca, Bình Dương gần 5.000 ca (1 ca tử vong)... Qua phân lập tuýp vi rút gây bệnh (D1, D2, D3 và D4) cho thấy rõ tuýp D2 chiếm đến 50%, tiếp theo là tuýp D1 chiếm 27%.

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, năm nào xuất hiện bệnh nhân mắc SXH tuýp D2 nhiều thì năm đó số ca bệnh sẽ tăng và nặng. Do vậy, Cục đề nghị các tỉnh tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về dấu hiệu bệnh nặng SXH. Nếu cơ sở y tế nhận thấy trẻ bệnh nặng, quá khả năng điều trị thì chuyển tuyến trên, tuy nhiên nếu đánh giá sẽ nguy hiểm trên đường chuyển viện thì phải tham vấn tuyến trên để đều trị tại chỗ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá dịch SXH gia tăng, nguy cơ lan rộng, nhất là khu vực miền Trung và Tây nguyên. Bộ trưởng chỉ đạo, ngành y tế ưu tiên số 1 là giám sát dịch bệnh; có hệ thống báo cáo ca bệnh tốt; có số liệu dự báo số ca mắc trung bình, số ca tử vong hằng năm, tuýp vi rút lưu hành cao để chuẩn bị nhân, vật lực chống dịch. Xác định ổ dịch nhỏ, lớn để xử lý, diệt lăng quăng và phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.

Theo Bộ trưởng, phải giảm tối đa số ca tử vong trên số ca sốc do SXH. Bộ trưởng cũng yêu cầu các sở y tế tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức ngay chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Bé 12 tháng tuổi nguy kịch vì chữa tiêu chảy bằng thuốc phiện

Bệnh nhi hiện đã qua cơn nguy kịch - Ảnh: Công lý

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sa Pa (Lào Cai) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhi là bé V.T.T., 12 tháng tuổi được chuyển cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch do ngộ độc thuốc phiện.

Thời điểm nhập viện, bé T. hôn mê sâu, toàn thân tím tái, suy hô hấp, suy tuần hoàn, liên tục có cơn ngừng thở kèm theo tình trạng tiêu chảy cấp.

Người nhà bệnh nhân là người đồng bào dân tộc H’Mông không biết nói tiếng phổ thông. Khoa Cấp cứu liền mời các chuyên gia Nhi Khoa Bệnh viện Bạch Mai đang có mặt tại Bệnh viện Sa Pa, cùng bác sĩ Chang Thị Thúy Lan khám và khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân bằng tiếng địa phương thì được biết, bệnh nhi đã bị tiêu chảy 1 ngày qua ở nhà.

Ông lang trong bản đã khám và bảo phải đặt thuốc phiện vào hậu môn thì mới khỏi được. Bà nội đã đặt cho bé vào khoảng 11h, 15 phút sau thấy bé tím tái khắp người cấu véo không biết gì nên bà gọi người nhà đưa thẳng đến bệnh viện.

Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định nguyên nhân khiến bệnh nhi tím tái, ngừng thở do các thành phần trong thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp. Với sự hỗ trợ của bác sĩ Đỗ Hoàng Hải - Khoa Nhi thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang có mặt tại bệnh viện nên ngay lập tức bệnh nhi được đặt nội khí quản và dùng thuốc kháng để giải ngộ độc thuốc phiện.

Đến trưa 20/7, sau gần 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi T. đã qua cơn nguy kịch.

Bé trai thủng vòm họng do ngã xe đạp

Phim chụp chấn thương của bệnh nhi - Ảnh: VTC News

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) vừa tiếp nhận và cấp cứu trường hợp bệnh nhi Đ.N.N., 10 tuổi, trú tại TP. Uông Bí bị chấn thương nặng, thủng vòm họng do ngã xe đạp.

Theo gia đình bệnh nhi, bé N. đi xe đạp bị ngã, không may tay lái xe đạp chọc vào vòm miệng, gây đau, chảy máu miệng.

Bệnh nhi được đưa tới viện trong tình trạng tỉnh, chảy máu mũi đã tự cầm, vòm miệng có lỗ thủng nham nhở đường kính khoảng 3 cm còn rỉ máu. Rất nhanh chóng, bệnh nhi được xử lý chống nhiễm khuẩn (tiêm uốn ván, kháng sinh cầm máu, giảm đau...).

Sau đó do vết thương quá nặng, bệnh nhi tiếp tục được các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt phẫu thuật tạo vạt vòm miệng, đóng lỗ thủng. Trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ nhận thấy vết thương vòm miệng dập nát, vỡ mất mảnh xương khẩu cái, thông lên nền mũi.

Để điều trị, các bác sĩ đã xếp lại xương vỡ, tạo hình vòm miệng cho trẻ. Sau 1 tuần điều trị, vết mổ tiến triển tốt, bớt nề, trẻ đã được ra viện.

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật