Điều trị sai bệnh suốt 10 năm vì bị chẩn đoán nhầm
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Gia An 115 (quận Bình Tân, TP.HCM) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.L (82 tuổi, ngụ Tiền Giang). Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau thắt ngực. Gia đình cho biết bệnh nhân từng được chẩn đoán suy tim, sử dụng thuốc suốt 10 năm nay nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Chụp X-quang ngực cho thấy bóng dạ dày nằm trong vị trí của bóng tim (chồng hình). Nhận thấy có điểm bất thường khi bệnh nhân nói mình mắc bệnh tim mạch suốt 10 năm nay, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT ngực cản quang, nội soi dạ dày-tá tràng để tìm nguyên nhân và chẩn đoán lại chính xác.
Kết quả ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu thoát vị khe hoành và bị trào ngược dạ dày thực quản. Theo ThS.BS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng khoa Ngoại của Bệnh viện Gia An 115, thoát vị khe hoành xảy ra khi mô cơ (cột trụ) quanh lỗ khe hoành thực quản suy yếu và một phần của của dạ dày bị thoát vị, trượt lên lồng ngực.
Một thoát vị hoành lớn có thể cho phép thức ăn và axit tràn vào thực quản, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng, đặc biệt là cảm giác nặng ngực kéo dài. Những cơn đau nặng ngực như vậy dễ gây nhầm lẫn với các bệnh về tim mạch.
Ảnh chụp thoát vị khe hoành của bệnh nhân 62 tuổi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, sau đó thực hiện phẫu thuật theo phương pháp Nissen phục hồi khe hoành đưa các tạng trở lại ổ bụng, chống trào ngược dạ dày. Quan sát thấy khe hoành đường kính rộng 4cm đáy vị trượt lên trung thất sau đường kính 8cm và dính với trung thất tạo màng giả.
Ekip bác sĩ nhanh chóng gỡ dính, bóc tách rõ trụ hoành, đưa tâm vị và toàn bộ dạ dày xuống dưới khe hoành 2cm. Sau ca phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân ổn định, không còn đau ngực. Người bệnh được xuất viện sau 1 tuần chăm sóc hồi sức tích cực và điều trị nội khoa.
Nội soi lồng ngực cắt bỏ khối u quái cho bệnh nhân 54 tuổi
Báo Nhân Dân thông tin, cách đây nửa năm, nữ bệnh nhân T.H (54 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị đau tức ngực nhẹ nhưng tần suất khá thưa, không phải ngày nào cũng xuất hiện nên không đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Sau đó, 10 đầu ngón tay của bệnh nhân sưng lên nhưng một thời gian lại tự xẹp. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, tuy nhiên bệnh nhân không nghĩ là bệnh nên bỏ qua.
Mãi đến khi đi khám hậu COVID-19, kết quả chụp X-quang phổi cho thấy bệnh nhân có khối u trung thất tồn tại đã lâu và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ. Do triệu chứng lúc đó không quá khó chịu nên bệnh nhân xin uống thuốc, không mổ. Tới khi triệu chứng đau tức ngực ngày càng rõ rệt hơn, người bệnh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Phim chụp CT phổi cho thấy hình ảnh khối u quái. Ảnh: Nhân Dân
Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, khối u trung thất của bệnh nhân có cấu tạo rất lạ gồm cả lông, tóc, xương…, được gọi là u quái. Khối u đã tồn tại hàng chục năm, không gây triệu chứng rõ rệt. Trong khi đó, người bệnh không có bệnh lý nền, ít khi đi thăm khám, làm xét nghiệm nên không phát hiện khối u.
Khối u có đường kính hơn 5cm, bắt đầu chèn ép các tĩnh mạch chủ trên và động mạch chủ xung quanh, nếu tiếp tục phát triển sẽ cản trở máu từ tĩnh mạch chủ trên đi xuống, gây ra triệu chứng phù (hội chứng tĩnh mạch chủ trên). Do đó, cần phẫu thuật ngay thời điểm này để loại bỏ hoàn toàn khối u quái, tránh những rủi ro sức khỏe sau này.
Ca phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt bỏ khối u quái cho bệnh nhân được thực hiện thành công sau 2 tiếng. Với kỹ thuật mổ nội soi, bác sĩ chỉ mở 4cm bên ngực phải bệnh nhân, đưa dụng cụ vào để lấy khối u ra khỏi lồng ngực nên người bệnh ít đau, ít mất máu, hồi phục nhanh sau mổ. Bệnh nhân được rút ống dẫn lưu màng phổi, ăn uống bình thường ngay hôm sau và xuất viện 2 ngày sau đó.
Cứu sống sản phụ mất máu nhiều do đờ tử cung khi sinh con
Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết đơn vị này vừa cứu sống một sản phụ mất máu nhiều do đờ tử cung khi sinh con. Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, đêm ngày 17/5, sản phụ N.T.V.A (trú tại xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đến Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ để sinh con đầu lòng.
Do sức rặn yếu không thể sinh thường được nên các y bác sĩ khoa Sản đã chỉ định mổ lấy thai cho sản phụ. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật lấy thai, sản phụ bị đờ tử cung và mất máu nhiều. Báo động đỏ lập tức được kích hoạt, các y bác sĩ huy động người nhà, cán bộ nhân viên Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ hiến máu cứu sản phụ qua cơn nguy kịch.
Sản phụ và em bé đang được theo dõi phục hồi sức khỏe tại khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sản phụ thuộc nhóm máu B nhưng người nhà đều không cùng nhóm máu. Nếu không có máu truyền, sản phụ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhận thông tin có sản phụ cần máu để phẫu thuật cấp cứu, 6 cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ không quản ngại đêm hôm, đường xá xa xôi có mặt tại đây để hiến 6 đơn vị máu truyền cho sản phụ.
Nhờ được truyền máu, sản phụ đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, sản phụ và em bé đã ổn định, đang được theo dõi phục hồi sức khỏe tại khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Đinh Kim (T/h)