Gắp hơn 100 viên sỏi ra khỏi khớp gối của người phụ nữ
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 19/4, Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng cho biết, ekip bác sĩ đã nội soi gắp hơn 100 viên sỏi ra khỏi khớp gối của nữ bệnh nhân P.H (30 tuổi, trú tại quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng).
Trước đó, bệnh nhân đến thăm khám tại đơn vị Cơ Xương Khớp, khoa Ngoại - Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng trong tình trạng đau khớp gối trái, đi lại khó khăn. Kết quả thăm khám và thực hiện siêu âm, X quang cho thấy hình ảnh có rất nhiều nốt vôi hoá trong khớp gối.
Bác sĩ CKI Nguyễn Ngô Dũng, đơn vị Cơ Xương Khớp, khoa Ngoại - Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng chia sẻ, các nốt vôi hoá tồn tại trong bao hoạt dịch khớp gối trái kích thước khoảng từ 7-10mm và tập trung thành đám ở mô mềm vùng khoeo, kích thước đến 23x13mm chính là u sụn màng hoạt dịch, nguyên nhân chủ yếu gây ra cơn đau và cản trở vận động của bệnh nhân.
Hình ảnh X-quang cho thấy khớp gối bệnh nhân chứa đầy các nốt vôi hoá. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Khi đặt ống camera soi vào khớp kiểm tra, các bác sĩ rất kinh ngạc khi thấy trong khớp gối của bệnh nhân có hàng trăm hạt sụn màu trắng sữa. Một số hạt dính vào màng hoạt dịch khớp, trong khi một số khác lại rơi tự do vào trong khớp. Theo bác sĩ Dũng, nếu bệnh nhân không phẫu thuật kịp thời, tình trạng bệnh ngày càng nặng, có thể dẫn đến thoái hoá khớp, mất chức năng khớp gối.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ lựa chọn phẫu thuật nội soi gắp u để giúp bệnh nhân phục hồi khả năng vận động sớm, hạn chế tổn thương khớp. Ca phẫu thuật kéo dài 1 tiếng, các bác sĩ đơn vị Cơ Xương Khớp, khoa Ngoại và bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng đã lấy ra hơn 100 viên sỏi với đủ kích thước lớn nhỏ.
5 ngày sau phẫu thuật và tập luyện phục hồi chức năng, sức khoẻ của bệnh nhân dần ổn định, có thể đi lại nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của nạng gỗ.
Người bệnh kể, năm 12 tuổi chị từng bị chấn thương khớp gối trái, khi đến thăm khám, bác sĩ kết luận có chấn thương phần mềm và đã điều trị bằng thuốc uống. Tuy nhiên, thời gian dài sau chấn thương, khớp gối của chị vận động khó và cảm giác như khớp bị kẹt, có lúc không thể duỗi thẳng gối được.
Đến nay, cơn đau trở nên trầm trọng hơn, việc đi lại quá khó khăn. Lúc biết trong khớp gối có cả trăm viên sỏi, bệnh nhân rất bất ngờ và lo sợ.
Bé gái giật mình nuốt trọn que kẹo mút vào bụng
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một trường hợp hóc dị vật ở trẻ 13 tuổi. Theo thông tin trên VietNamNet, bệnh nhi là em L.T.K.N ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Bệnh nhi kể, ngày 8/4, khi đang ngậm kẹo mút, em nghe tiếng ba gọi nên giật mình và nuốt cả que kẹo vào bụng. Hai ngày sau, em thấy đau bụng âm ỉ vùng hông nên được đưa lên một bệnh viện ở TP.HCM khám. Tại cơ sở này, kết quả chụp X-quang bụng không ghi nhận dị vật, em được về nhà theo dõi.
Đến ngày 12/4, bệnh nhi vẫn đau bụng, chưa đi tiêu ra que kẹo nên gia đình lại đưa lên bệnh viện ban đầu khám. Kết quả X-quang vẫn không thấy dị vật và bác sĩ cho trẻ về nhà. Vì lo lắng, mẹ của bệnh nhi đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố kiểm tra và nhập viện ngay trong ngày.
Que kẹo nhựa được các bác sĩ gắp ra. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ cho bệnh nhi chụp CT bụng cản quang, ghi nhận dị vật hình trụ nằm ở hố chậu phải gần góc hồi manh tràng, viêm đoạn ruột chứa dị vật. Bệnh nhi được nội soi mềm qua ngả hậu môn.
Bác sĩ CKI Lê Đức Lộc cùng ekip gây mê đã gắp ra một que kẹo nhựa. Dị vật này dài, nhọn hai đầu có khả năng gây viêm tấy, nhiễm trùng và thủng ruột nếu mắc kẹt kéo dài.
Người phụ nữ bị biến dạng các khớp ngón tay, bàn chân do viêm khớp dạng thấp
Các bác sĩ khoa Lão khoa - Cơ xương khớp Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị biến dạng các khớp ngón tay, bàn chân do viêm khớp dạng thấp, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Bệnh nhân là B.T.N. (65 tuổi, trú tại TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Người bệnh bị đau tăng nhiều khi vận động và về đêm ở các vùng khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, bàn ngón tay và khớp gối hai bên.
Đáng chú ý, các khớp khuỷu, khớp cổ tay và bàn ngón tay hai bên đều bị biến dạng như “lưng con lạc đà”, sưng nề nhiều ở phía mu, khó gấp duỗi. Các ngón lệch trục về phía xương trụ, biến dạng tạo thành ngón tay hình cổ cò.
Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng viêm khớp dạng thấp thể nặng, giai đoạn biến chứng, điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp biến chứng. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Được biết, viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính gặp phổ biến ở nữ và trong độ tuổi trung niên 35-60 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được khẳng định chắc chắn nhưng nhiều nghiên cứu y khoa xác định cơ chế bệnh sinh là miễn dịch.
Bệnh thường gây ảnh hưởng các khớp đối xứng trong cơ thể, đặc biệt ở khớp nhỏ, nhỡ như khớp cổ tay, bàn ngón tay, khớp liên đốt gần bàn tay. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát ở khớp lớn như khớp gối, khớp vai, khớp khuỷu.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường gặp các triệu chứng như sưng đau khớp, đau tăng nhiều về đêm, buổi sáng thường có cứng khớp kéo dài trên 30 phút.
Đây là bệnh mạn tính đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không tự ý uống và tiêm bất cứ loại thuốc nào vào vùng đau của khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không tự ý dừng thuốc hoặc lựa chọn sản phẩm hỗ trợ như các bài thuốc dân gian, đông y chưa được kiểm chứng; không lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm.
Đinh Kim (T/h)