Hơn 50 học sinh nhập viện sau bữa ăn trưa tại trường
Báo Người Lao Động đưa tin tối 15/11, bác sĩ Danh Tý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang, cho biết sức khỏe của hơn 50 học sinh Trường tiểu học Trần Văn Ơn và Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi (TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) nhập viện do ngộ độc thực phẩm đã cơ bản ổn định nhưng cần phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiếp theo.
Trước đó, khoảng 15h30 cùng ngày, Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang tiếp nhận hơn 50 học sinh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Qua chẩn đoán ban đầu, nghi nhóm học sinh bị ngộ độc thực phẩm trong nhà trường, bệnh viện đã yêu cầu nhà trường niêm phong toàn bộ thức ăn, chờ cơ quan chức năng kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân.
Sức khỏe các học sinh đã cơ bản ổn định nhưng cần phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiếp theo. Ảnh: Người Lao Động
"Lúc đầu có khoảng 6 em học sinh được cha mẹ chở đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó, lãnh đạo 2 trường gọi điện nhờ bệnh viện hỗ trợ phương tiện vì có quá nhiều học sinh bị đau bụng và ói. Chúng tôi đã nhờ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang hỗ trợ điều 6 xe cấp cứu đến trường để đưa hơn 50 em học sinh vào cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang.
Đa số các em nhập viện đều bị đau bụng và ói, trong đó có khoảng 20 em học sinh do ói nhiều nên bị hạ huyết áp, phải truyền dịch chống sốc. Đến 19 giờ thì sức khỏe của hơn 50 học sinh đã ổn định", bác sĩ Danh Tý chia sẻ.
Theo thông tin ban đầu, trưa cùng ngày, các em học sinh ăn bữa trưa tại trường, có món mì thịt bằm, súp...
Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết đã chỉ đạo Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang và các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh bị ngộ độc.
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị nhà trường báo cáo về tình hình vụ việc để rõ nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời.
Nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” sau khi bị mèo cắn vào ngón tay
Báo Tin Tức dẫn thông tin từ bác sĩ CKI Trịnh Hoàng Nguyên - khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân N.X.H. (44 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau nhức cơ và các khớp tay chân, đau lưng, có vết thương sưng mưng mủ ở ngón trỏ tay trái, khó thở…
Theo lời kể của bệnh nhân, trước nhập viện 7 ngày, anh bị mèo cắn vào ngón trỏ tay trái. Nghĩ mèo đã tiêm vaccine phòng bệnh dại nên anh không rửa tay, sát khuẩn vết thương ngay. Chưa tới 2 tiếng, ngón tay của anh sưng đỏ, có mủ, đau nhức, thi thoảng cơ ngón tay giật liên hồi.
Chờ đến sáng, anh đi tiêm vaccine phòng bệnh dại và uốn ván, mua thuốc kháng sinh uống. Tình trạng sưng có giảm nhưng ngón tay vẫn đau nhức. Ba ngày sau, anh N.X.H. bắt đầu sốt nhẹ, tới đêm thì sốt cao hơn kèm đau nhức toàn thân. Anh uống thuốc hạ sốt và ngủ chập chờn, cứ 15 phút lại tỉnh và sau đó được gia đình đưa đến bệnh viện.
Bác sĩ Nguyên cho hay, vì con mèo cắn anh H. đã được tiêm vaccine phòng dại và bản thân anh cũng đã tiêm phòng dại, uốn ván nên bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng người bệnh bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn hoặc virus tấn công, chưa loại trừ nhiễm Bartonella - là vi khuẩn gram âm thường xuất hiện ở người bị mèo cào hoặc cắn.
Theo đó, để tránh tình trạng nhiễm trùng diễn tiến xấu, ngay lập tức bệnh nhân được điều trị bằng truyền kháng sinh, truyền dịch, thở oxy; đồng thời, bệnh nhân được cấy máu, xét nghiệm chức năng gan thận, đông máu.
Vết thương do mèo cắn ở ngón tay của bệnh nhân. Ảnh: Báo Tin Tức
Kết quả cấy máu phát hiện anh N.X.H nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” Burkholderia Pseudomallei, gây ra bệnh Whimore khiến nhiễm trùng nặng, chức năng gan và thận giảm, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Bênh cạnh đó, nhờ xét nghiệm nên bác sĩ phát hiện anh N.X.H bị tiểu đường type 2.
Theo bác sĩ Nguyên, anh N.X.H có đường huyết cao không được kiểm soát khiến tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nặng nhanh chóng. Nếu điều trị chậm hơn một ngày, anh N.X.H có nguy cơ rơi vào hôn mê, sốc nhiễm trùng suy đa tạng, hoại tử ruột, thậm chí tử vong.
Dù được điều trị tích cực sớm bằng kháng sinh, điều chỉnh đường huyết, dịch truyền ngay trong ngày đầu nhập viện nhưng do vi khuẩn Burkholderia tồn tại trong máu lâu, đã tấn công cơ thể từ trước, làm anh H. bị biến chứng tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu…
XEM THÊM: Nên xét nghiệm sốt xuất huyết ở ngày thứ mấy từ khi phát bệnh?
Vào ngày thứ 2 sau nhập viện, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, khoa Nội tổng hợp hội chẩn thống nhất cần thay huyết tương cấp cứu. Chỉ sau thay huyết tương 1 lần (phương pháp ly tâm công nghệ Mỹ) tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn, các chỉ số xét nghiệm viêm hay chức năng cơ quan dần hồi phục.
Sau 5 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, anh N.X.H thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng, suy đa tạng do “vi khuẩn ăn thịt người”; đồng thời chức năng gan, thận, khả năng đông máu… đều phục hồi tốt nên được xuất viện.
Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, có thể bệnh nhân N.X.H bị nhiễm bệnh vì môi trường xung quanh chứa nguồn bệnh chứ không phải từ mèo. Mèo chỉ là vật trung gian cắn tạo vết thương cho vi khuẩn xâm nhập, bởi anh N.X.H đã không sát trùng ngay sau khi mèo cắn mà tiếp tục bưng bê đồ đạc, tiếp xúc với môi trường đất, nước xung quanh.
Tự chế pháo, thiếu niên 14 tuổi bị dập nát bàn tay
Theo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận nam thiếu niên N.H.C. (14 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều, dập nát bàn tay phải và tổn thương nhiều vùng cơ thể. Theo người nhà kể lại, C. bị thuốc pháo nổ, do tự ý mua pháo trên mạng về tự chế thông qua các hội nhóm.
Kết quả chụp X-quang cho thấy, bàn tay phải bị gãy nền đốt bàn tay I, gãy nền đốt ngón tay V, gãy đốt 2 và ngón III. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương cho bệnh nhân.
Bác sĩ kiểm tra tình hình của bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Trong quá trình phẫu thuật, do có nhiều tổn thương ở bàn tay nên các bác sĩ phải đặt sonde dẫn lưu để khâu tới 15 mũi. Các bác sĩ cho biết, tuy ca mổ thành công nhưng di chứng để lại cho bàn tay phải về sau sẽ rất nặng nề.
Toàn bộ gân, cơ, xương bị dập nát do pháo nổ trên lòng bàn tay trong lúc trẻ nghịch sẽ để lại di chứng hạn chế cầm nắm, viết chữ và các động tác tinh vi khác của bàn tay. Trường hợp này sẽ còn phải trải qua vài cuộc phẫu thuật nữa để tháo phương tiện kết xương cũng như sửa chữa các di chứng khác của bàn tay.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Mạnh Trường - khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng.
Vì vậy, để phòng tránh các tai nạn thương tâm xảy ra do pháo, bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường cần tăng cường quản lý, tuyên truyền để trẻ không tự ý mua và sử dụng vật liệu pháo nổ.
Đinh Kim (T/h)