Người đàn ông bị máy tời cuốn đứt lìa cánh tay trái
Báo Tiền Phong đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa nối thành công cánh tay trái bị đứt lìa cho nam bệnh nhân V.T.T. (50 tuổi, ngụ xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Người nhà bệnh nhân kể, chiều ngày 4/12, trong lúc đang lao động, người bệnh đã vô ý để máy tời vỏ bao xi măng cũ cuốn đứt lìa cánh tay trái. Ngay sau đó, bệnh nhân được người thân đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Thời gian tính từ khi bệnh nhân bị máy tời cuốn đến lúc nhập viện khoảng 1 giờ.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ vừa tiến hành truyền máu, hồi sức tích cực, vừa tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Do vết thương và phần cánh tay đứt rời bị dập nát khá nhiều kèm nhiều dị vật như đất, đá, xi măng… nên kíp các bác sĩ phẫu thuật phải rất tỉ mỉ trong việc cắt lọc và làm sạch vết thương. Sau đó tiến hành khâu nối lại phần chi thể đứt rời cho bệnh nhân.
Cánh tay nối của bệnh nhân hiện được tưới máu tốt, hồng hào trở lại, vết nối khô. Ảnh: Tiền Phong
Theo bác sĩ CKII Hoàng Tuấn Long, Phó trưởng khoa Ngoại Chấn thương, Trưởng kíp phẫu thuật, để nối thành công cánh tay đứt lìa cho bệnh nhân, ekip các bác sĩ phẫu thuật đã làm việc liên tục trong 6 giờ đồng hồ.
Các kỹ thuật khó và phức tạp lần lượt được thực hiện như kết hợp xương bằng nẹp vít để giữ trục chi, tiến hành vi phẫu nối mạch chi bao gồm 2 động mạch quay, động mạch trụ, tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền, bên cạnh đó tiến hành vi phẫu khâu nối thần kinh và toàn bộ gân cơ cho bệnh nhân.
Việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể.
Hiện, cánh tay nối của bệnh nhân được tưới máu tốt, hồng hào trở lại, vết nối khô. Để cánh tay được nối hoàn toàn hồi phục, thời gian tới bệnh nhân tiếp tục trải qua một số lần phẫu thuật nữa và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
Cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh Leptospira thể nặng
Theo VTV News, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Leptospira (nhiễm xoắn khuẩn vàng da) thể nặng. Cụ thể, nam bệnh nhân 40 tuổi ở Văn Quan (Lạng Sơn) nhập viện vì đau bụng. Trước đó, bệnh nhân nhiều ngày vào rừng lấy củi, ăn uống tại rừng, không ăn rau củ lạ, không bị động vật cắn.
Cách thời điểm vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng thượng vị kèm đau lan lên vai, tê bì cột sống thắt lưng, lan xuống bắp đùi. Sau 2 ngày tình trạng tiến triển nặng hơn, bệnh nhân không đi lại được, lúc này xuất hiện vàng mắt, vàng da, ăn uống kém, sốt rét, sốt nóng nhiều cơn.
Người bệnh được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng trong tình trạng tỉnh, vàng da toàn thân, đau bụng hạ sườn phải. Kết quả siêu âm ổ bụng cho hình ảnh sỏi túi mật, xử trí truyền dịch, kháng sinh, giảm đau.
Sau 1 ngày điều trị tình trạng không cải thiện, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, nhập khoa Ngoại Tiêu hóa với chẩn đoán theo dõi viêm túi mật do sỏi. Qua 1 ngày nhập viện, bệnh nhân có diễn biến nhanh với triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, ăn uống kém, vàng da tăng dần, nước tiểu ít, dưới 500ml/ngày, ho. Lúc này, bệnh nhân được hội chẩn chuyển Khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp.
Bệnh nhân được nghi ngờ và tiến hành làm xét nghiệm Leptospira nhưng thời gian trả kết quả là sau 5 ngày nên chưa thể khẳng định chắc chắn. Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán tạm thời theo dõi nhiễm Leptospira mức độ nặng có tổn thương đa cơ quan, nổi bật là tổn thương thận cấp, suy chức năng gan và giảm tiểu cầu.
Ở khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được điều trị với oxy liệu pháp, giảm đau, truyền dịch đẳng trương, kết hợp kháng sinh tĩnh mạch, vitamin K1 tiêm mạch, Glucose 10%, thuốc lợi tiểu và cân bằng lượng dịch vào ra....
Sau 5 ngày, tình trạng bệnh nhân cải thiện hơn. Người bệnh hết sốt, bụng giảm đau và không còn gồng cứng, lượng nước tiểu tăng lên, da niêm mạc giảm vàng. Xét nghiệm máu và hình ảnh học cũng cho thấy những thay đổi tích cực qua từng ngày. Bệnh nhân hiện đã ổn định và được xuất viện.
Bé trai 12 tuổi bị dao cạo mủ cao su đâm xuyên bụng
Bác sĩ CKII Lê Ngọc Hà, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bé Đ.D (12 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) bị dao cạo mủ cao su đâm xuyên bụng đã ổn định.
Hình ảnh cho thấy lưỡi dao cạo mủ cao su đâm xuyên ngực bụng bé trai. Ảnh: VOV
Theo VOV, khoảng 20h30 ngày 13/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tiếp nhận bệnh nhi nhập viện trong tình trạng choáng nhẹ, vết thương do lưỡi dao cạo mủ cao su đâm xuyên từ giữa ức đến ngực trái. Lưỡi dao cạo mủ vẫn còn dính với đoạn tay cầm bằng sắt dài khoảng 1m.
Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhi có tràn máu ổ bụng và màng phổi với dị vật xuyên thấu bụng ngực. Bệnh nhi được bác sĩ hồi sức tích cực, truyền máu và tiến hành phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện lưỡi dao xuyên thủng gan trái, dạ dày và cơ hoành.
Sau hơn 2 giờ thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhi qua cơn nguy kịch và tiếp tục được các bác sĩ theo dõi hồi sức.
Gia đình kể, trước đó bệnh nhi được mẹ chở bằng xe máy đi cạo mủ cao su, trên đường đi bị tai nạn dẫn đến dao cạo mủ cao su đâm xuyên người. Bệnh nhi được bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh sơ cứu và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương phẫu thuật lấy dao cạo mủ cao su ra khỏi bụng.
Đinh Kim (T/h)