Người đàn ông đang làm việc thì bị méo mặt, líu lưỡi
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết vừa cứu kịp anh N.T.L (46 tuổi, ở quận Tân Phú) đang làm việc đột ngột méo mặt, nói đớ. Được biết, bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp do di truyền và phải điều trị bằng thuốc trong nhiều năm qua, trong lúc làm việc, bỗng nhiên bị méo mặt, nói đớ, líu lưỡi.
Sau khi tiếp nhận người bệnh, quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM được kích hợp. Người bệnh được can thiệp trong vòng 20 phút. May mắn được đưa vào viện kịp thời, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, tiếp tục được theo dõi để phục hồi chức năng và phòng ngừa đột quỵ tái phát.
Kiểm soát tốt yếu tố huyết áp có thể giúp giảm 35-40% nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa: Người Lao Động
TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tình trạng đột quỵ.
Bệnh lý này làm tăng áp lực máu đến tim, thúc đẩy xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim - mạch vành, đặc biệt là tình trạng tổn thương các động mạch xuyên nhỏ. Theo Theo đánh giá, khoảng 77% trường hợp đột quỵ lần đầu có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp. Kiểm soát tốt yếu tố huyết áp có thể giúp giảm 35-40% nguy cơ đột quỵ.
Hai nam bệnh nhân bị đâm thủng ruột nguy kịch
Bác sĩ Nguyễn Vũ An, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết bệnh nhân C. (28 tuổi, ở Long An) và bệnh nhân K. (41 tuổi) được cấp cứu trong tình trạng rất nặng, choáng mất máu, huyết áp tụt và khó đo do vết thương hố chậu phải, theo báo Người Lao Động.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ ca trực xử lý sơ cứu ban đầu, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Các bác sĩ từ các chuyên khoa như khoa Ngoại Tiết Niệu, Ngoại Tổng Quát đã hội chẩn khẩn cùng ban lãnh đạo bệnh viện phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân C. được chẩn đoán sốc mất máu do vết thương dao đâm thấu thận, thủng ruột non, rách mạc treo đại tràng phải. Ekip mổ đã thực hiện phẫu thuật khẩn cấp mở bụng, cắt thận bên phải cầm máu, khâu lổ thủng ruột non, khâu mạc treo đại tràng.
Trong khi đó, bệnh nhân K. được chẩn đoán ở trong tình trạng sốc mất máu do vết thương dao đâm gây thấu thuận, thấu gan, thấu tuỵ, thủng dạ dày. Người bệnh được tiến hành mổ khẩn cấp cùng lúc với bệnh nhân C. Ekip mổ đã cắt thận bên phải cầm máu, khâu lỗ thủng dạ dày, khâu vết thương gan phải và đầu tụy.
Theo bác sĩ An, hai ca phẫu thuật khẩn cấp đồng thời trong đêm diễn ra thuận lợi, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa thành công giúp hai bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Sau phẫu thuật, cả hai được chuyển lên khoa ICU để hồi sức tích cực, khi tình trạng ổn định được chuyển về khoa để tiếp tục theo dõi. Vết thương hồi phục rất tốt, hiện tại cả hai bệnh nhân đã được xuất viện.
Can thiệp ECMO cứu người bệnh nhồi màu cơ tim cấp nguy kịch
Bác sĩ Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công bằng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân N.L (SN 1960, trú thôn An Dưỡng, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây là ca bệnh thứ 2 tại bệnh viện được cứu sống bằng phương pháp này.
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, trước khi nhập viện, người bệnh có hiện tượng đau ngực, khó thở nhiều. Bệnh nhận được gia đình đưa đến bệnh viện tư cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, ngưng tim. Sau khi được hồi sinh tim phổi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Bệnh viện lập tức bật báo động đỏ, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và xác định đây là ca nhồi máu cơ tim cấp, đã có biến chứng ngưng tuần hoàn hô hấp ngoại viện, quyết định hồi sức tim phổi và can thiệp mạch vành cấp cứu với tiên lượng rất nặng.
Bệnh nhân được kết thúc ECMO vào sáng ngày 12/12. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Sau khi được chụp mạch vành và đặt stent mạch vành, bệnh nhân được điều trị hồi sức tại khoa ICU trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao. Liên tục những giờ sau đó, bệnh nhân bị rối loạn nhịp thất, suy bơm tim, huyết áp thấp. Bệnh viện đã hội chẩn và quyết định can thiệp ECMO cho bệnh nhân.
Sau thời gian dài theo dõi, điều trị, sáng ngày 12/12, bệnh nhân đã được kết thúc ECMO. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã phục hồi tốt, người bệnh tỉnh táo, tự thở qua canuyn khí quản, huyết động ổn. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã ngưng tất cả thuốc vận mạch, vận động tay chân tốt. Người bệnh đang được tiếp tục theo dõi tiếp tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) trước khi xuất viện.
Đinh Kim (T/h)