Bé trai 13 tuổi bỏng mặt vì bình gas mini phát nổ
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhi (nam, 13 tuổi, ở Bắc Giang) trong tình trạng vết thương phức tạp, gãy hở các xương bàn, ngón tay trái, 1/3 giữa 2 cẳng tay trái, bỏng mặt do tai nạn nổ bình gas, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Gia đình kể trước đó, bệnh nhi ở nhà một mình, dùng bình gas mini để nấu ăn thì bất ngờ phát nổ, dẫn đến bị nát bàn tay trái, bỏng mặt. Sau đó, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu.
TS.BS Nguyễn Quang Vịnh thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Infonet
Theo TS.BS Nguyễn Quang Vịnh – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, bé được chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương bàn tay, khâu phục hồi tổn thương bàn ngón tay, thay băng điều trị bỏng.
Các bác sĩ cố gắng cứu chữa từng phần chi thể còn lại của bệnh nhi. Trẻ phải trải qua nhiều lần phẫu thuật mới có thể làm liền vết thương và phục hồi được một phần nhỏ chức năng bàn tay. Sau hẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn, bàn tay còn sưng nề nhiều, hạn chế vận động các ngón bàn tay trái, tổn thương bỏng được thấm dịch bằng băng.
Cứu người đàn ông Campuchia có khối u lớn trong tim
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ vừa phẫu thuật tim cứu người đàn ông Campuchia (35 tuổi) bị u nhầy nhĩ trái có kích thước lớn, nguy cơ vỡ trên nền hậu mắc COVID-19.
Trước đó, bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện tư ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) trong tình trạng khó thở, nặng ngực. Qua thăm khám, bác sĩ đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.
Tại khoa Cấp cứu, kết quả test nhanh cho thấy bệnh nhân mắc COVID-19. Ngoài ra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, cần theo dõi u nhầy nhĩ trái. Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm hồi sức tích cực điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đến ngày 4/12, bệnh nhân có kết quả âm tính, được chuyển về Khoa Phẫu thuật tim điều trị.
Hiện người bệnh khỏe mạnh, các chỉ số xét nghiệm ổn định. Ảnh: VietNamNet
Khi siêu âm, bác sĩ phát hiện có khối u nhầy lớn trong tim người bệnh với kích thước 70x52mm, nguy cơ vỡ rất cao. Lúc này, bệnh nhân đang trong tình trạng suy tim nặng và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngay. Do bệnh nhân là người nước ngoài, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ban giám đốc bệnh viện quyết định “phẫu thuật cấp cứu trước chi phí tính sau”.
VietNamNet đưa tin, sau 3 giờ phẫu thuật, bác sĩ lấy trọn u nhầy nhĩ trái và tái tạo vách liên nhĩ bằng màng ngoài tim; sửa van 3 lá… cho bệnh nhân. Hiện, người bệnh khỏe mạnh, các chỉ số xét nghiệm ổn định. Bệnh viện cũng vận động mạnh thường quân, sử dụng quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo lo kinh phí điều trị cho bệnh nhân.
Bị uốn ván nguy kịch chỉ vì một vết thương nhỏ ở chân
Theo VTV News, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sắp ngừng thở. Trước đó khoảng 10 ngày, bệnh nhân bị que nhọn đâm vào đấu gối chân phải nhưng vết thương không quá nghiêm trọng và đã tự khỏi.
Sau 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, không há được miệng. Ngày 7/12, bệnh nhân xuất hiện toàn thân co cứng như khúc gỗ, hàm răng cắn chặt, thở rất khó khăn. Sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được mở khí quản qua cổ để đảm bảo đường thở, được hỗ trợ thở máy, dùng thuốc: an thần, giãn cơ, trung hòa độc tố uốn ván.
Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: VTV News
Dự kiến, bệnh nhân sẽ phải thở máy dài ngày, chăm sóc và phục hồi chức năng tích cực thì mới có hy vọng sống sót. Các bác sĩ chia sẻ, uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Tỷ lệ tử vong chung do uốn ván có thể đến 90%, uốn ván rốn sơ sinh tử vong trên 95%. Ngoài ra, nếu bệnh nhân sống sót thì thường để lại di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.
Để phòng ngừa uốn ván, khi bị thương, mọi người chú ý rửa vết thương dưới vòi nước sạch, sát trùng vết thương bằng các dung dịch có cồn. Để hở vết thương, không để vết thương tạo đường hầm, không bịt kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên vết thương. Sau đó, nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng vaccine uốn ván hoặc huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván.
Đinh Kim (T/h)