Người phụ nữ nhập viện sau khi ăn bỏng ngô nghi tẩm cần sa
VTV News đưa tin, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một nữ bệnh nhân ở Hà Nội, được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.
Theo chia sẻ của người nhà, khoảng 16h30 ngày 29/11, bệnh nhân ăn 2 miếng bỏng ngô (do con đặt mua trên mạng). Sau 1 tiếng, bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Mẫu bỏng ngô gia đình bệnh nhân cung cấp. Ảnh: VTV News
TS.BS Nguyễn Trung Nguyễn – Giám đốc Trung tâm chống độc xác nhận tối ngày 29/11, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Qua khai thác được biết bỏng ngô mà người bệnh ăn là loại được con của bệnh nhân đặt mua trên mạng internet.
Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
Xương cá đâm xuyên thành ruột tạo nên khối áp xe
VnExpress đưa tin, nữ bệnh nhân 17 tuổi vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu do tim đập nhanh, đau bụng trái và hông bên trái dữ dội nhiều ngày. Bác sĩ phát hiện người bệnh có khối u ở vùng bụng trái, kết quả siêu âm và chụp CT vùng bụng ghi nhận nhiều ổ tụ dịch, nghi ngờ dị vật bên trong. Trước đó, bệnh nhân khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán là áp xe, điều trị bằng kháng sinh và thuốc giảm đau nhưng không bớt.
Ngày 5/12, bác sĩ Nguyễn Thành Tiến Dũng, khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết khi mổ nội soi ổ bụng bệnh nhân, kíp phẫu thuật ghi nhận xương cá đã đâm xuyên thành ruột tạo thành một khối áp xe. Đây là túi mô viêm chứa mủ, có thể gây nhiễm trùng.
Sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, ăn uống tốt, không còn đau bụng, vừa được xuất viện. Được biết, bệnh nhân không biết chuyện mình nuốt xương cá.
Nhân trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên ăn chậm, nhai kỹ, không đùa giỡn nói chuyện khi ăn bởi dễ hóc xương, đặc biệt là người già, trẻ em. Nuốt xương cá có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường tiêu hóa, thủng thực quản - dạ dày - ruột, viêm phúc mạc, áp xe trong ổ bụng...
Nếu không may bị hóc xương cá hoặc dị vật thì nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị sớm để tránh các biến chứng.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser cho nữ bệnh nhân
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 29/11, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Truyện ở khoa Ngoại – Sản – Liên chuyên khoa Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết đã tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser cho người bệnh V.M.P (48 tuổi, ở Đồng Nai).
Hình ảnh cho thấy sỏi kẹt ở niệu đạo. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Người bệnh bị sỏi kẹt ở niệu đạo, nhập viện trong tình trạng tiểu khó, tiểu gắt buốt. Bệnh nhân kể, chị đã tiểu khó cách đó 3 hôm, khi đi vệ sinh sỏi lòi ra kẹt ở niệu đạo. Khi sờ bằng tay, bệnh nhân cảm nhận được có vật cứng nghi sỏi nhưng không đến bệnh viện do hoàn cảnh khó khăn lại vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật nên ngại đến bệnh viện.
Những ngày đó, bệnh nhân ở nhà đi vệ sinh khó, phải dùng tay nắn sỏi qua bên để có thể đi vệ sinh được, đi lâu lại thêm gắt, buốt. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sỏi lớn, kích thước 12 x 15 mm, ở vị trí niệu đạo gần miệng sáo, gây bít tắc đường ra của nước tiểu, do đó gây nên tình trạng tiểu khó, tiểu đau, nhỏ giọt...
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, hình ảnh học trong đó có chụp X-quang bụng không sửa soạn lấy hết khớp mu, người bệnh được chẩn đoán sỏi kẹt niệu đạo và chỉ định phẫu thuật nội soi. Bác sĩ Truyện trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân, tiến hành tán sỏi nội soi ngược dòng bằng Laser. Ca mổ tiến hành thuận lợi, chỉ mất khoảng 20 phút. Sau khi được hồi sức 1 đêm, bệnh nhân đã ổn định, hết đau, tiểu được và xuất viện chỉ sau 1 ngày.
Đinh Kim (T/h)