Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2019: Người phụ nữ bị sái cả quai hàm vì cười quá to

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 13/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 13/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ bị sái cả quai hàm vì cười quá to

May mắn cùng đi trên chuyến tàu đó có một bác sĩ biết cách chữa trị - Ảnh: Asia Wire

Người phụ nữ trên chuyến tàu cao tốc xuất phát từ nhà ga Nam Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 1/9 vừa qua đã gặp một tai nạn hi hữu không thể nào quên được.

Đó là khi đang cười sảng khoái, thoải mái và khá là to, cô bỗng bị sái quai hàm, không thể ngậm được miệng vào như bình thường mà cứ phải há ra rất khó chịu.

May mắn cho người phụ nữ này là trên cùng chuyến tàu ngày hôm đó, có một vị bác sĩ tên Luo Wensheng, làm việc tại bệnh viện Lệ Loan, thuộc Đại học Y Quảng Châu, lên tàu từ điểm Côn Minh đã nghe thấy thông báo cần hỗ trợ y tế phát đi khắp các toa.

Bác sĩ kể lại: "Tôi đang nằm nghỉ thì nghe thấy thông báo tìm kiếm bác sĩ trên tàu. Tôi chạy đến thì nhìn thấy vị hành khách không thể nói hay ngậm được miệng vào.

Lúc đầu thấy cô ấy chảy hết nước miếng ra, tôi nghĩ là người này bị đột quỵ. Nhưng khi đo huyết áp và hỏi một vài câu hỏi thì tôi biết được cô ấy thực ra đã bị sái quai hàm".

Vì không phải là bác sĩ chuyên xử lí những trường hợp như này nên bác sĩ Wensheng bị đẩy vào thế khó xử, người bệnh thì nằm đó tuyệt vọng mà trên tàu lúc đó mỗi mình anh có nghiệp vụ có thể biết cách xử lý.

Cuối cùng anh vẫn cố gắng giúp đỡ người phụ nữ kia. "Tôi đã cảnh báo cô ấy rằng tôi không phải là chuyên gia, nhưng tôi biết cách thức thực hiện thủ thuật.

Tôi cũng bảo là vẫn có khả năng tôi không thể làm thành công. Nữ bệnh nhân khá căng thẳng, cơ mặt căng hết ra nên lần đầu tiên thực hiện đã thất bại.

Tôi đã khuyên cô ấy nên đến bệnh viện vẫn hơn, nhưng nhân viên trên tàu nói phải mất một tiếng nữa mới có thể đến bệnh viện được.

Nữ hành khách vô cùng kích động khi nghe thấy tin này và muốn hàm của mình trở về như bình thường nên tôi đã đồng ý thử lại", bác sĩ Luo Wensheng nói.

May mắn là lần thử thứ 2 đã thành công, bác sĩ tốt bụng này cho hay: "Tôi đã nắn lại khi cô ấy không để ý và may mắn đã mỉm cười khi hàm đã quay trở về vị trí cũ.

Nữ hành khách cũng tiết lộ rằng trong quá khứ cô đã từng bị sái quai hàm vì liên tục nôn mửa vào thời kỳ mang thai.

Nếu bạn đã từng bị chệch hàm thì ngay cả cười, ngáp hay thậm chí là chỉ mở miệng quá rộng, bệnh trên cũng có thể tái phát".

Dù không biết nguyên nhân khiến người phụ nữ này cười là gì nhưng qua sự việc lần này, có lẽ cô ấy sẽ cẩn thận hơn để không rơi vào tình trạng khốn đốn như thế nữa.

Phát hiện 1 người đàn ông bị nhiễm "Vi khuẩn ăn thịt người"

Bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Người lao động

Chiều 12/9, tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết bệnh viện này vừa phát hiện 1 bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore, một loại "vi khuẩn ăn thịt người".

Theo đó, vào ngày 9/9, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Đ.X.H. (61 tuổi, trú tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), trong tình trạng sốt cao liên tục, ngón 2 bàn chân phải có khối áp-xe sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh Đái tháo đường type II.

Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, thấy tình trạng của bệnh nhân vẫn không có dậu hiệu thuyên giảm mà có diễn biến nặng hơn với các triệu chứng như sốt cao, rét run, huyết áp tụt. Lúc này, các bác sĩ đã chỉ định lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).

Trước những diễn biến trên, bệnh viện đã tiến hành làm thủ tục cho bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Võ Hoài Nam, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhân H. có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn làm việc đồng áng và tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập qua vết loét mà không biết, chỉ khi bệnh nhân bị sốt cao liên tục người nhà mới đưa bệnh nhân đi viện.

Cũng theo bác sĩ Nam, các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40-60%, và có thể gây tử vong trong vòng vài ngày nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Để tránh những trường hợp xấu nhất cho các bệnh nhân mắc phải chứng bệnh này cần phải có các biện pháp phòng hộ như đi ủng, tất ni lông… trong quá trình lao động. Đặc biệt những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.

Được biết, hiện nay whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng.

Cô gái suýt mất mũi vì tiêm filler giá rẻ ở spa

Vùng mũi bệnh nhân sưng tấy, đau tức... sau khi tiêm filler - Ảnh: Zing.vn

Ngày 12/9, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội), cho biết vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân bị biến chứng nặng do tiêm filler làm đẹp.

Ba ngày trước, Trần Thị Hoạt (Hà Nội) đến một spa tại Hà Nội để nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler. Chủ spa đã trực tiếp tiêm filler cho cô. Ngay sau khi về nhà, Hoạt đau nhức mũi dữ dội, tức nặng, không ngủ được. Ngay sáng hôm sau, mũi cô mọc mụn trắng li ti, tấy đỏ, đau không giảm. Bệnh nhân lo sợ tràn filler nên quay lại spa tiêm tan và tự mua kháng sinh uống.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không thuyên giảm, mụn mọc nhiều hơn, mũi sưng nề, vùng da này thâm sạm. Bệnh nhân đã đến bệnh viện thăm khám.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cho biết bệnh nhân bị tắc mạch do filler, tiên lượng nặng, có nguy cơ hoại tử mũi.

Tại đây, bác sĩ tiến hành tiêm giải filler, kèm theo dùng kháng sinh, chống viêm, giảm đau mạnh, sát khuẩn tại chỗ vùng mũi, xử lý mụn viêm cho bệnh nhân. Hoạt được bác sĩ yêu cầu nằm viện nghỉ ngơi để tiện cho việc xử lý, theo dõi.

Theo lời kể của bệnh nhân, cô tiêm filler tại spa có giá 1,5 triệu đồng/1,4 ml, người thực hiện không phải bác sĩ. Sau khi xảy ra biến chứng, chủ cơ sở làm đẹp này không chịu trách nhiệm, chỉ trả lại tiền filler đã tiêm cho khách hàng.

Bác sĩ Tuấn phân tích tiêm 1,4 ml có nghĩa sẽ dùng chung thuốc với các bệnh nhân khác. Việc này rất nguy hiểm, có thể lây chéo các bệnh khác cho khách hàng. Ngoài ra, thị trường hiện nay cũng xuất hiện tràn lan các spa làm đẹp thiếu giấy phép, tiêm filler số lượng lớn không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân, giá chỉ 1-2 triệu đồng/1 ml, thậm chí rẻ hơn.

Filler chính hãng, được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận, do các bác sĩ thẩm mỹ thực hiện, thường có giá 5-10 triệu đồng/ml.

Qua trường hợp này, bác sĩ Tuấn khuyến cáo để đảm bảo an toàn khi tiêm filler làm đẹp, khách hàng cần tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sĩ về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, bạn cần chọn sản phẩm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm, khách hàng cần được theo dõi và xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bị loét da, chằng chịt vết mủ trên vai do biến chứng xóa xăm

Các vết loét mủ, đóng vảy chạy dọc theo dấu vết xóa hình xăm - Ảnh: Công lý

Ngày 12/9, thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 29 tuổi nhiễm trùng nghiêm trọng sau xoá hình xăm. Nam bệnh nhân đến viện trong tình trạng loét da, chảy mủ trên nền vết xăm cũ vùng vai phải.

Theo lời kể, vì yêu cầu công việc cần phải xóa hình xăm trên vai phải nên anh đã tới cơ sở thẩm mỹ tư nhân tại TP Ninh Bình thực hiện thủ thuật xóa xăm 2 lần bằng máy nhưng không rõ loại.

Sau thủ thuật, bệnh nhân xuất hiện sưng nề, tấy đỏ, đau rát, sau đó các vết trợt, loét, chảy mủ tại vị trí xóa xăm, kèm theo đau nhiều, sốt nên đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Dung - Khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, khi tiến hành thăm khám trực tiếp, phát hiện tổn thương là các vết loét bờ rõ, đáy vàng bẩn, chảy mủ, khu trú dọc theo vết xăm, một số chỗ đóng vảy tiết dày màu nâu đen.

"Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng trên nền tổn thương loét tương đối sâu do thực hiện xóa xăm không đúng kỹ thuật, đồng thời công tác vô khuẩn trong và sau khi làm thủ thuật không tốt", BS Dung nói.

Theo BS Dung, hiện tượng này xảy ra khá phổ biến tại các cơ sở không uy tín, không được cấp phép, không có đầy đủ điều kiện chuyên môn, dụng cụ và vệ sinh vô khuẩn.

Các bác sĩ khuyến cáo, ngoài biến chứng nhiễm khuẩn, việc làm thủ thuật không đảm bảo vệ sinh còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội khác. Vì vậy, người dân phải rất thận trọng và lựa chọn những cơ sở uy tín để thực hiện xóa xăm hay các thủ thuật thẩm mỹ khác.

Hiện nay, nhiều cơ sở thực hiện xóa xăm bằng các thủ thuật khác nhau như đốt điện, laser,… Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân, dễ gặp các biến chứng sẹo lồi, sẹo xấu, nhiễm khuẩn tại chỗ,..

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật