Bé 3 tuổi phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu trái
Theo VietNamNet, bé 3 tuổi được phát hiện có ánh đồng tử bất thường từ nhỏ nhưng bố mẹ chủ quan chưa cho bé đi khám. Gần đây, khi che mắt phải lại, bệnh nhi có biểu hiện khó chịu và gạt tay bố mẹ ra.
Qua kiểm tra, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) phát hiện mắt trái của bệnh nhi có ánh đồng tử trắng, đồng tử giãn kích thước 5mm. Bệnh nhi được bác sĩ chuyên khoa Mắt chỉ định siêu âm kết quả cho hình ảnh khối tăng âm mắt trái, theo dõi u nguyên bào võng mạc.
Gia đình bệnh nhi đã được tư vấn chuyển tuyến xuống Bệnh viện Mắt Trung ương. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán u nguyên bào võng mạc, phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu trái để giữ tính mạng. Hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Bé 3 tuổi được chẩn đoán u nguyên bào võng mạc. Ảnh minh họa: medicalnewstoday.com
Các bác sĩ cho biết u nguyên bào võng mạc phát hiện sớm có kết quả điều trị rất cao. Với những khối u nhỏ có thể điều trị bảo tồn, giữ lại nhãn cầu và thị lực cho trẻ. Do đó, những trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như: ánh đồng tử trắng, lé/lác, nhìn kém, sưng đỏ mắt, lồi mắt, mắt to hơn mắt bên kia hoặc to hơn mắt trẻ cùng lứa tuổi... cần được đưa đi khám sớm ở các cơ sở chuyên khoa mắt.
Những gia đình có tiền sử bị u nguyên bào võng mạc cần được làm xét nghiệm di truyền, tư vấn trước sinh, các bé sau khi sinh cần được khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa mắt để có thể phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Kịp thời cứu cô gái bị viêm tụy cấp phù nề
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho biết đơn vị này vùa tiếp nhận và kịp thời cứu chữa cho một trường hợp nguy kịch tính mạng. Theo đó, bệnh nhân là cô gái 22 tuổi được chẩn đoán viêm tuỵ cấp thể phù nề giờ thứ 8.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang – khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các kết quả xét nghiệm chẩn đoán cho thấy bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến nặng do tăng triglyceride trên cơ địa đái tháo đường type 2 kiểm soát kém, biến chứng nhiễm toan ceton. Bệnh nhân được chỉ định nhịn ăn hoàn toàn, sử dụng kháng sinh, điều trị tích cực.
Tuy nhiên, sau 12 giờ nhập viện, tình trạng bệnh không cải thiện mà diễn tiến nặng thêm. Các bác sĩ đã phải tiến hành phương pháp thay huyết tương kết hợp lọc máu hấp phụ. Qua 5 giờ điều trị tích cực, các chỉ số sinh hiệu của người bệnh từng bước được cải thiện, vượt qua nguy kịch, báo Tiền Phong đưa tin.
Một trường hợp bị viêm tụy cấp điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Tiền Phong
Nhân trường hợp này, bác sĩ cảnh báo viêm tụy cấp là bệnh lý thường gặp, khoảng 10% đến 15% các trường hợp diễn tiến nặng có thể dẫn tới tử vong. Tăng triglyceride máu ở bệnh nhân tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây viêm tụy cấp. Nguy cơ và độ nặng của viêm tụy cấp có liên quan mật thiết với nồng độ triglyceride máu.
Những trường hợp có bệnh lý nền cần chủ động điều trị, kiểm soát, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần nhanh chóng nhập viện để được bác sĩ chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.
Nam thanh niên bị đa chấn thương, thủng tim và phổi
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, nam bệnh nhân T.V.H (38 tuổi) bị tai nạn trong lúc lao động vào 9h ngày 29/10. Tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, người bệnh được sơ cứu và chụp cắt lớp toàn thân. Các bác sĩ phát hiện có một mảnh dị vật trong vùng tim gây thủng tim, nhiều máu khí trong màng phổi phải, dị vật trong gối trái kèm gãy xương sườn và xương đùi trái.
Tiên lượng tình trạng nặng, diễn biến phức tạp, kíp cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả liên lạc xin hội chẩn và chuyển thẳng bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cơ sở có chuyên khoa sâu về tim mạch để được phẫu thuật cấp cứu xử trí các tổn thương tim kịp thời.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ tuyến dưới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã kích hoạt quy trình "báo động đỏ" liên viện, huy động kíp bác sĩ liên khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Chấn thương, Huyết học, Gây mê hồi sức, chuẩn bị phòng mổ tim cùng máy móc, trang thiết bị, dự trù máu sẵn sàng ứng cứu khi người bệnh được đưa tới.
Các dị vật trong ngực và đầu gối của bệnh nhân được các bác sĩ lấy ra thành công. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Người bệnh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng tỉnh, sốc nặng và khó thở nhiều, lập tức được chuyển phòng mổ tim. Các ekip phối hợp gây mê, đặt dẫn lưu ngực ra 800ml máu loãng và nhiều khí, kết hợp đặt các đường ống vào tim để theo dõi sát huyết động và truyền máu khẩn cấp. Sau khi được hồi sức tích cực tại phòng mổ, mạch và huyết áp bệnh nhân tạm ổn định.
Kíp cấp cứu liên khoa sau hội chẩn quyết định nội soi lồng ngực để xử trí các tổn thương và lấy dị vật. Bệnh nhân được kíp gây mê đặt ống nội khí quản carlen làm xẹp phổi phải. Dưới hỗ trợ của hệ thống nội soi 3D tiên tiến, kíp phẫu thuật tim mạch tiến hành lấy nhiều tổ chức máu cục lớn trong màng phổi phải, tiếp tục kiểm tra phát hiện tổn thương do dị vật cứng xuyên thành ngực làm gãy 1 xương sườn, xuyên nhu mô phổi làm rách màng tim bên phải.
Phẫu thuật viên khéo léo mở rộng lỗ rách trên màng tim và lấy ra dị vật là một mảnh đá 2x0,5cm trong màng tim. Rất may, phần cơ tim bị mảnh đá văng chỉ bị đụng dập đã ngừng chảy máu. Kíp mổ tiến hành cầm máu, rửa sạch khoang màng tim, khâu các vết thương phổi, xử trí các vết thương thành ngực và đặt dẫn lưu.
Sau đó, kíp chấn thương chỉnh hình tiếp tục phẫu thuật lấy dị vật trong khớp gối, kết hợp phần xương đùi bị gãy bằng nẹp vít và xử lý các tổn thương phần mềm khác. Ca cấp cứu diễn ra thành công thuận lợi sau 3 tiếng phẫu thuật căng thẳng. Ngày thứ 2 sau mổ, người bệnh tỉnh táo, nói chuyện và ngồi dậy được, các xét nghiệm ổn định. Kết quả chụp cắt lớp kiểm tra thấy các tổn thương tim phổi ổn định, không còn dị vật.
Đinh Kim (T/h)