Chatbot AI gặp lỗi ngay ngày ra mắt, Google thiệt hại hơn 100 tỷ USD
Trong đoạn video giới thiệu ra mắt Bard - chatbot sử dụng công nghệtrí tuệ nhân tạo (AI) được Google đăng tải ngày 7/2, công cụ này đã đưa ra câu trả lời thiếu chính xác, lỗi vốn dĩ nó không nên mắc phải.
Sự cố này lập tức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Google. Nhiều người lo ngại gã khổng lồ tìm kiếm này sẽ tụt hậu trước Microsoft trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo.
Theo Reuters, cổ phiếu của Google trong phiên giao dịch ngày 8/2 giảm 9% và không có dấu hiệu phục hồi đến tận cuối phiên. Trong khi đó cổ phiếu của Microsoft lại tăng nhẹ.
Reuters cho biết thêm, các biên tập viên của họ là những người đầu tiên phát hiện thông tin không chính xác trong câu trả lời của Bard. Theo đó, câu hỏi của Google dành cho chatbot AI này là: “Tôi có thể kể cho đứa con 9 tuổi của mình nghe về những khám phá mới nào từ kính viễn vọng không gian James Webb?”.
Bard trả lời lại bằng một số câu trả lời, trong đó gồm một câu gợi ý rằng James Webb được sử dụng để chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời của Trái đất, hay còn gọi là các ngoại hành tinh. Tuy nhiên, những bức ảnh đầu tiên về các ngoại hành tinh được chụp bởi Đài thiên văn Nam châu Âu (VLT) vào năm 2004, theo xác nhận của NASA .
Twitter gặp sự cố trong quá trình cải tiến dịch vụ
Ngày 8/2, hàng nghìn người dùng Twitter cho biết họ đã gặp sự cố khi truy cập nền tảng mạng xã hội này, trong bối cảnh Twitter bắt đầu cho phép người dùng trả phí để đăng các thông tin dài tới 4.000 ký tự.
Twitter đã xác nhận sự cố gián đoạn hoạt động nêu trên. Thông báo của công ty này nêu rõ: "Twitter có thể đã không hoạt động như kỳ vọng của một số người dùng. Chúng tôi xin lỗi vì điều này. Chúng tôi đang tiến hành khắc phục sự cố".
Theo Downdetector - trang web giám sát các sự cố trực tuyến trên toàn cầu, những báo cáo về gián đoạn hoạt động trên Twitter đã tăng nhanh vào đầu giờ chiều 8/2 (giờ Mỹ) và kéo dài trong khoảng hai giờ. Người dùng Twitter cho biết họ không thể đăng thông tin (các tweet) và nhận được cảnh báo rằng họ vượt quá giới hạn về bài đăng mỗi ngày. Ngoài ra, họ cũng không thể gửi tin nhắn trực tiếp, trong khi TweetDeck - mục quản lý và theo dõi tài khoản Twitter - cũng đã ngừng hoạt động.
Nguy cơ bị ChatGPT thu thập dữ liệu riêng tư
ChatGPT đạt 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng ra mắt, nhưng đi kèm là nguy cơ về tính riêng tư. Siêu AI này sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn, đòi hỏi lượng dữ liệu khổng lồ để vận hành và cải thiện năng lực. Khả năng phát hiện khuôn mẫu, dự đoán nội dung sắp được đưa ra và tạo văn bản như người thật luôn tỷ lệ thuận với số dữ liệu dùng để huấn luyện mô hình.
OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, cung cấp khoảng 300 tỷ từ ngữ thu thập từ các nguồn trên Internet, như sách báo, website và bài viết do người dùng tự tạo, gồm cả thông tin cá nhân.
Theo Uri Gal, giáo sư tại Đại học Sydney, hoạt động thu thập dữ liệu đào tạo ChatGPT cho thấy nhiều vấn đề.
Đầu tiên, OpenAI không xin phép người dùng trước khi lấy dữ liệu của họ. Đây là động thái vi phạm quyền riêng tư, đặc biệt khi nhiều thông tin nhạy cảm có thể liên quan đến cuộc sống cá nhân của người dùng.
Ngay cả khi dữ liệu được công khai, OpenAI cũng xâm phạm nguyên tắc toàn vẹn văn bản, cấm để lộ thông tin của từng cá nhân ngoài bối cảnh mà nó được khởi tạo. Công ty cũng không đề xuất phương án nếu người dùng muốn xóa dữ liệu liên quan tới họ. Đây là quyền được bảo đảm trong Quy định Bảo vệ dữ liệu chung châu Âu (GDPR).
Hoàng Yên (T/h)