Facebook Gaming trên iOS, Android sắp ngừng hoạt động
Theo trang PhoneArena, sau thành công lớn của Twitch, Facebook đã quyết định chuyển hướng sang cung cấp các hợp đồng ưu đãi cho những streamer lớn nhằm cạnh tranh với Twitch và các đối thủ khác.
Một số tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp phát trực tuyến trò chơi chuyển sang Facebook và YouTube sau khi hợp đồng hết hạn với Twitch. Do các streamer này luôn mang theo cộng đồng hâm mộ của họ khi chuyển sang một dịch vụ khác nên việc “giữ chân” họ một vài năm bằng một hợp đồng độc quyền không phải là ý tưởng hay. Bên cạnh đó, rất khó để “giữ chân” các streamer nổi tiếng.
Đây là một trong những lý do chính khiến Facebook quyết định đóng cửa ứng dụng Facebook Gaming. Tuy dịch vụ phát trực tuyến sẽ tiếp tục hoạt động cho những người muốn xem lại nhưng ứng dụng dành cho thiết bị di động trên iOS và Android sẽ không còn khả dụng từ ngày 28/10 tới đây.
Facebook Gaming dành cho thiết bị di động trên iOS và Android sẽ không còn khả dụng từ ngày 28/10 tới đây. Ảnh minh họa: The Verge
“Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành vì tất cả những gì các bạn đã làm để xây dựng một cộng đồng lớn mạnh kể từ khi ứng dụng này ra mắt lần đầu tiên”, một phát ngôn viên của Facebook chia sẻ.
Được biết, ứng dụng Facebook Gaming ban đầu được sử dụng như một trung tâm để người dùng có thể theo dõi các video phát trực tuyến từ các streamer yêu thích, hoặc tương tác với các trang truyền thông của nhiều tựa game khác nhau.
Việt Nam thuộc top 5 nước có nguy cơ bị tấn công mạng nhất APAC
VietnamPlus dẫn thông tin từ Kaspersky đưa ra ngày 31/8 cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) về nguy cơ bị tấn công mạng.
Theo số liệu từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2022 do Kaspersky thống kê, APAC là khu vực bị tấn công mạng nhiều nhất, chiếm 35% trong số 7,2 tỷ vụ được phát hiện và ngăn chặn bởi đơn vị này trên toàn cầu.
Trong đó, Việt Nam chiếm 5%, ngang bằng với Nhật Bản và xếp sau Ấn Độ (6%). Trung Quốc chiếm 4%, còn Indonesia chiếm 3%.
Nhóm 5 quốc gia đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nguy cơ bị tấn công mạng. Ảnh: Kaspersky
Ông Vitaly Kamluk - Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu (GReAT) khu vực APAC của Kaspersky nhận định, cho rằng không có an ninh mạng đồng nghĩa với không mã hóa, không quyền riêng tư, không bí mật, không kiểm soát được truy cập và không xác thực được tính toàn vẹn.
“Tôi cho rằng một thế giới không có an ninh mạng giống như một ‘thảm họa số’ - nơi không một ai có thể khai thác đầy đủ các cơ hội từ những công nghệ mới nhất mà chúng ta đang sở hữu.
Nếu không có các công ty và giải pháp hoạt động phía sau để bảo vệ dữ liệu, danh tính của chúng ta, tin tức mà chúng ta đọc cũng như các ứng dụng và thiết bị chúng ta sử dụng, chúng ta sẽ phải tự mình vượt qua những rủi ro và tôi chắc chắn rằng sẽ không ai chọn sống trong một thế giới hỗn loạn như thế”, ông nói.
Lộ ảnh máy chơi game cầm tay mới của Logitech G
Đầu tháng 8/2022, Logitech G - mảng kinh doanh hướng đến gaming của Logitech, thông báo công ty sẽ tung ra một thiết bị chơi game cầm tay trên đám mây vào cuối năm nay với sự hợp tác của Tencent Games. Mới đây, hình ảnh của thiết bị đã bị rò rỉ, theo GSMArena.
Có thể thấy, máy trông tương tự như thiết kế được thấy trong hồ sơ cấp bằng sáng chế của Tencent cho “PC console”. Sản phẩm có thiết kế khá kinh điển của một thiết bị chơi game cầm tay ngang, với tất cả các thanh, nút và trình kích hoạt cần thiết cho hầu hết các trò chơi.
Thiết bị được cho là máy chơi game cầm tay của Logitech G và Tencent Games. Ảnh: Evan Blass
Đáng chú ý, máy chơi game cầm tay của Logitech và Tencent sẽ chạy hệ điều hành Android hoàn chỉnh (với Cửa hàng Google Play). Tuy nhiên, nền tảng của máy có thể không quá quan trọng vì thiết bị này tập trung vào các trò chơi trực tuyến hơn là các trò chơi gốc.
Logitech và Tencent cho biết họ đang đàm phán để giới thiệu Xbox Cloud Gaming và Nvidia GeForce Now trên máy chơi game cầm tay này. Cả hai dịch vụ đều đã có ứng dụng Android. Hình ảnh rò rỉ cũng cho thấy máy có biểu tượng Steam trên màn hình, có thể dành cho dịch vụ Steam Link (tức phát trực tuyến trò chơi từ PC thay vì đám mây).
Mặc dù hình ảnh chỉ hiển thị kết nối Wi-Fi và Bluetooth nhưng không có nghĩa thiết bị sẽ không có phiên bàn 5G. Với các nền tảng trò chơi, các tín đồ công nghệ có thể nhận thấy rằng có 2 biểu tượng Xbox, có khả năng là dịch vụ Xbox Cloud Gaming và Xbox Remote Play, hoặc có thể chỉ là sự nhầm lẫn về hình ảnh.
Đinh Kim (T/h)