Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận thu phí từ ngày 8/8, cao nhất 334.000 đồng
UBND tỉnh Tiền Giang ngày 4/8 tổ chức họp báo công bố chính thức quyết định giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo ông Lý Hoàng Chiêu, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, với quyết định này thì giá vé đối với ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng (nhóm 1) là 2.000 đồng/xe/km (giảm 100 đồng/xe/km so với mức giá đề xuất trước đó, tương đương giảm 4,76%). Như vậy, xe nhóm 1 đi toàn tuyến có mức giá khoảng 103.000 đồng.
Ô tô từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn (nhóm 2) giữ nguyên như mức giá đề xuất trước đó là 3.000 đồng/xe/km, tương đương giá vé cho xe đi toàn tuyến là khoảng 154.000 đồng.
Giá vé cho xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn (nhóm 3) giảm xuống còn 3.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 3.700 (tương đương giảm 20,45%). Như vậy, xe nhóm 3 đi toàn tuyến có mức giá khoảng 180.000 đồng.
Giá vé cho xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet (nhóm 4) là 4.500 đồng/xe/km, giảm 1.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó (tương đương giảm 43,75%). Như vậy, xe nhóm 4 đi toàn tuyến có mức giá là khoảng gần 232.000 đồng/xe.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: VNE)
Giá vé cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet (nhóm 5) được điều chỉnh giám xuống còn 6.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 8.400 đồng/xe/km (tương đương giảm 45,83%). Xe nhóm 5 có mức giá mới khi đi toàn tuyến là gần 334.000 đồng.
Tại buổi họp báo ông Chiêu cho biết, dự kiến sẽ tổ chức thu phí ngày 8/8, với phương án này, việc thu phí sẽ kéo dài 14 năm 8 tháng.
Bộ Y tế chưa yêu cầu áp dụng tờ khai y tế để phòng bệnh đậu mùa khỉ ở cửa khẩu
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ là "sớm một bước, cao hơn một mức", ngày 4/8, Bộ Y tế tiếp tục có công văn về việc tăng cường phòng chống bệnh dịch này gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Trong văn bản mới, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS.
Ngoài ra, cần giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu. (Ảnh: ANTĐ)
Tuy chưa yêu cầu áp dụng tờ khai y tế tại các cửa khẩu để phòng bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập song Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, cần truyền thông để khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Cùng đó, các địa phương cung cấp thông tin liên lạc của các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận thông tin về bệnh đậu mùa khỉ để người dân dễ dàng tiếp cận khi cần khai báo, tư vấn.
CSGT TP.HCM xử phạt gần 50.000 trường hợp vi phạm trong tháng cao điểm
Ngày 4/8, phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, trong hơn 1 tháng triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), đơn vị đã lập biên bản xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm.
CSGT TP.HCM cắt "ngọn" một xe tải. (Ảnh: SGGP)
Phòng PC08 thông tin, từ 20/6 đến 31/7, đơn vị đã lập biên bản xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm ATGT trên địa bàn. Trong đó, có 6.127 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn; 3.230 trường hợp vi phạm về tốc độ; 446 trường hợp chở hàng quá tải; 125 trường hợp chở hàng quá khổ; 145 trường hợp vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe...
Lực lượng chức năng tạm giữ 180 xe ô tô, 8.592 xe máy và 62 phương tiện khác. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 9.193 trường hợp. Dự kiến tiền phạt thu được gần 45 tỷ đồng.
Việt Hương (T/h)