Kon Tum lại động đất liên tiếp
Sáng 1/8, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lại xuất hiện một trận động đất có cường độ 3.6, là trận động đất tiếp theo trong chuỗi động đất liên tiếp những ngày qua ở khu vực này.
Trận động đất mới nhất xảy ra vào 8 giờ 14 phút 37 giây (giờ Hà Nội) sáng nay (1/8), có độ lớn 3.6, độ sâu khoảng 8,6km. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó vào 6 giờ 54 phút 18 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/7, một trận động đất có độ lớn 3.1, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km cũng xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Plông trong hơn một năm qua. (Ảnh: Tiền phong)
Theo nhận định bước đầu của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu, động đất tại Kon Plông là động đất kích thích xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết, đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Động đất kích thích xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoặc thủy lợi hoạt động tích nước, tạo sức ép lên hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Từ 1/8, Bình Dương bắt đầu cấm xe theo giờ tại tuyến đường trọng điểm
Ngày 1/8, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương bắt đầu áp dụng phương án phân luồng giao thông theo giờ, theo tuyến đối với một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh để chồng ùn tắc, kẹt xe.
Theo đó, các con đường được phân luồng giao thông theo giờ, theo tuyến kể từ đầu tháng 8/2022.
Cụ thể, trên tuyến đường cấm phương tiện lưu thông gồm: Quốc lộ 13 đoạn từ ngã 5 Phước Kiến đến cầu Vĩnh Bình; đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn từ giao lộ đường Mỹ Phước – Tân Vạn với đường Phú Lợi đến giao lộ đường Mỹ Phước – Tân Vạn với đường ĐT.743a - giáp Khu du lịch Thủy Châu; đường ĐT.743 đoạn từ giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với đường Phú Lợi đến giao lộ ĐT.743b với đường Độc Lập (Khu công nghiệp Sóng Thần 1); đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ Quốc lộ 13 đến đường Phú Lợi; đường Huỳnh Văn Cù đoạn từ ngã 5 Phước Kiến đến ngã ba Bến Đò; đường ĐT.747 đoạn từ ngã tư Miếu Ông Cù đến cầu Ông Tiếp.
Về khung giờ cấm và loại phương tiện bị cấm lưu thông, đối với phương tiện kéo rơ-móoc và xe sơ-mi rơ-móoc: Cấm lưu thông tại các tuyến đường trên trong khung giờ: buổi sáng từ 6h đến 8h; buổi chiều từ 16h30 đến 18h30.
Kẹt xe tại nhiều tuyến đường ở Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
Đối với phương tiện ô tô tải (trừ phương tiện kéo rơ-móoc và xe sơ-mi rơ-móoc): cấm ô tô tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn 10 tấn lưu thông trên các tuyến đường trên vào buổi trưa từ 11h đến 13h.
Những tuyến đường trên nêu trên thường xuyên xảy ra kẹt xe, ùn tắc trong giờ cao điểm, gây ảnh hưởng đến giao thông, nhất là hệ thống logistics vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp; qua đó sau một thời gian triển khai thí điểm phân luồng đã từng bước khắc phục vấn nạn kẹt xe.
Đến nay, tỉnh Bình Dương bắt đầu triển khai chính thức cấm xe tại các tuyến đường chính từ ngày 1/8/2022.
Ca nhiễm biến chủng BA.5 đầu tiên ở Tiền Giang đã âm tính, trở về nước
Theo bác sĩ Lê Hữu Quyền, Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), sau thời gian cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ca nhiễm biến chủng BA.5 của Omicron ở Khu phố 2, Phường 5, TP Mỹ Tho đã có kết quả âm tính, người thân của bệnh nhân này cũng không bị lây nhiễm và đã trở về nước.
Mới đây, ông N.B.T., sinh năm 1953 cùng vợ từ Thụy Sĩ về Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và ở lại TP.HCM. Ngày 3/7, gia đình ông T., về thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đến ngày 6/7 ông T., có triệu chứng sốt, mệt mỏi nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức (thành phố Mỹ Tho) kiểm tra sức khỏe và qua test nhanh ghi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
(Hình minh họa VOV)
Ngày 8/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang lấy mẫu giải trình tự gen gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và xác nhận ông N.B.T. đã nhiễm biến thể BA.5 của chủng virus Omicron. Sau đó, gia đình bệnh nhân T., được cách ly tại nhà, cán bộ y tế lấy mẫu kiểm tra y tế theo đúng quy định.
Các trường hợp tiếp xúc liên quan đã được giám sát, xử lý và không ghi nhận có ca mắc COVID-19 nào liên quan đến bệnh nhân T. Sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể BA.5 đầu tiên, công tác phòng dịch tiếp tục được tăng cường.
Gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tiền Giang bắt đầu tăng trở lại, có 40 ca đang điều trị tại nhà. Ngành y tế tỉnh Tiền Giang và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine, sử dụng hiệu quả số vaccine được phân bổ, nhất là khi tỉnh đã ghi nhận ca nhiễm biến thể BA.5.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã tiêm được hơn 4,4 triệu liều cho người từ 5 tuổi trở lên; trong đó người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 đạt 71%, mũi 4 đạt 7,1%. Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 3 đạt trên 36%; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 73% và mũi 2 đạt gần 50%.
Việt Hương (T/h)