Tin tức trên VnExpress, chiều tối ngày 16/9, chị Nam (43 tuổi, ở thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) đang cùng 5 người khác phân loại hàng cứu trợ, từ thiện phát hiện túi vải nhỏ đựng một số món trang sức lẫn trong thùng sách vở, quần áo.
Đoán đây là đồ có giá trị, chị Nam trình báo công an viên của thôn, đồng thời liên hệ với trưởng đoàn Đà Nẵng - đơn vị vừa trao đồ thùng cứu trợ, hy vọng tìm được chủ nhân của túi nữ trang.
Đại úy Trần Thị Thanh Thảo, công tác tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình quân đội, trưởng Cộng đồng cứu trợ các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Si Ma Cai, Bát Xát - đại diện nhận hàng cứu trợ - cũng trình báo sự việc với công an xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng.
Trong quá trình kiểm kê tài sản, mọi người quay video toàn bộ sự việc làm bằng chứng rồi niêm phong, giao chị Nam tạm thời quản lý.
Túi nữ trang được nhóm chị Vân Nam tìm thấy trong thùng hàng cứu trợ từ Đà Nẵng gửi lên Lào Cai, chiều 16/9. (Ảnh: VnExpress)
Chiều 17/9, nhóm chị Thảo xác minh được chủ nhân của túi đồ là chị Phan Thị Đào, 47 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng.
Chị Đào kể đêm 14/9 xếp quần áo, sách vở của cháu ruột (hai học sinh có tên trên nhãn vở) để hôm sau mang đến Thành đoàn Đà Nẵng gửi đi cứu trợ bà con miền Bắc. Do sơ suất, túi nữ trang đựng dây chuyền, bông tai, nhẫn cưới của vợ chồng (bằng vàng 9999) và kỷ vật của mẹ chồng rơi lẫn vào thùng. Trước khi gửi đồ chị cũng không kiểm tra lại.
Khi người thân gọi điện hỏi về túi nữ trang, chị Đào mới kiểm tra và biết tài sản thất lạc đến Lào Cai. Chị ủy quyền cho người cháu ở Hà Nội đến nhận lại số trang sức chị Vân Nam đang giữ.
Theo Người lao động, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách để khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất kinh doanhThanh tra Chính phủ, các bộ, ngành tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Đó là chỉ đạo của Chính phủ được nêu tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh.
Nghị quyết của Chính phủ đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính để các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai.
Trong đó, có nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và địa phương rà soát, nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Đồng thời, cho phép các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp áp dụng quy định tại Luật Xây dựng hiện hành để sửa chữa, xây dựng lại công trình, nhà xưởng bị ảnh hưởng bởi hậu quả thiên tai để doanh nghiệp sớm quay lại hoạt động.
Công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất, lũ quét đang được các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tích cực triển khai. (Ảnh: NLĐ)
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các cháu học sinh, bệnh nhân các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Đối với các địa phương, Chính phủ giao theo chức năng, nhiệm vụ để xem xét, quyết định theo chức năng, thẩm quyền việc chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.
Cùng với đó, căn cứ quy định pháp luật để xem xét, quyết định theo chức năng, thẩm quyền việc áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công trình, dự án khẩn cấp đối với các công trình, dự án cần thực hiện để kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định công bố tình huống khẩn sự cố sạt lở núi Y Sơn xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa.Theo đó, núi Y Sơn (còn có tên gọi là núi IA) thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, có diện tích khoảng 100ha, dưới chân núi có trường tiểu học, THCS, nghĩa trang liệt sỹ và 814 hộ (3.837 nhân khẩu) của 2 thôn Thù Sơn và Sơn Chung đang sinh sống. Trên núi là khu di tích lịch sử Đền Y Sơn, trong lòng núi là công trình quân sự.
Núi Y Sơn đã bị xảy ra sự cố sụt lún, nứt, có nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được xử lý khắc phục, ảnh hưởng đến an toàn các công trình hạ tầng trong khu vực, gây nguy hiểm, đe dọa tới đời sống và tình hình sản xuất của Nhân dân. UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa thực hiện di dời, xây dựng mới khẩn cấp Trường Tiểu học xã Hòa Sơn sang vị trí mới với tổng kinh phí 42 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện tại vị trí khu vực núi Y Sơn tiếp tục xảy ra sạt trượt với cung trượt dài khoảng 100m và nhiều vị trí quanh khu vực xuất hiện các vết nứt. Sự cố sạt, trượt tiếp tục có diễn biến phức tạp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và đời sống của một số hộ dân gần vị trí sạt trượt (khoảng 10 hộ, 42 nhân khẩu) và công trình Trường THCS Hòa Sơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao UBND huyện Hiệp Hòa tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; rà soát đánh giá nhanh các hộ dân lân cận để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
UBND huyện Hiệp Hòa chủ động rà soát ngay phương án di dân, khẩn cấp phòng chống sạt lở đất trên địa bàn huyện; tổ chức chặt cây, phát quang, cắm tiêu, cắm biển khu vực sạt trượt nguy hiểm, mốc để quan trắc khe nứt, cung sạt trượt.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang thường xuyên cập nhật báo cáo tình hình sự cố; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND huyện Hiệp Hòa trong quá trình tổ chức thực hiện xử lý sự cố.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Hiệp Hòa, Lữ đoàn Công binh 299 tổ chức khảo sát xây dựng phương án xử lý sự cố sạt lở núi Y Sơn liên quan đến công trình quốc phòng.