Theo Hà Nội mới, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.
Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp trong việc thẩm định, cấp giấy phép quảng cáo; có ý kiến về nội dung các hoạt động tổ chức trong công viên, vườn hoa theo thẩm quyền; kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo trong công viên, vườn hoa.
UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây, khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, lựa chọn phương án tối ưu nhằm hạn chế việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách. Chủ đầu tư công trình phải gửi phương án xử lý cây xanh hiện hữu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xem xét, có ý kiến cấp phép trước khi triển khai.
Các đơn vị được giao kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép đất cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ, vườn ươm cây xanh theo thẩm quyền và quy định; quản lý địa bàn, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép các vị trí được quy hoạch đất cây xanh.
Chủ đầu tư dự án xây dựng mới, dự án cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm vỉa hè, hệ thống rãnh thoát nước, đường điện, cáp thông tin, đường ống nước sạch...) có hệ thống cây xanh đô thị hiện hữu phải lập phương án bảo vệ rễ cây, chằng chống giữ thân cây, phát triển rễ cây nếu bị chặt... Phương án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thi công.
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các đơn vị cùng phối hợp bảo vệ cây xanh. (Ảnh minh họa)
Đối với các công trình khác khi xây dựng có thể ảnh hưởng đến cây xanh hiện hữu (cây xanh lân cận công trình, cây xanh trong ranh giới dự án), chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có.
Trong quá trình thi công, sửa chữa, xử lý kỹ thuật công trình chuyên ngành, đơn vị thực hiện phải thông báo, phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý hệ thống cây xanh để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn của cây xanh.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ trì cùng các đơn vị quản lý, duy tu, duy trì cây xanh, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng duy trì hệ thống cây xanh theo các gói thầu; kịp thời phát hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh để thông tin đến chính quyền địa phương cùng phối hợp kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; báo cáo Sở Xây dựng các nội dung vượt thẩm quyền...
Những ngày vừa qua, TP.HCM xuất hiện sương mù kèm không khí se lạnh vào buổi sáng. Người dân ra đường và đi làm có cảm giác dễ chịu.
Lý giải hiện tượng này, bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết trên báo Dân trí, dải hội tụ nhiệt đới đang vắt ngang qua khu vực Nam Bộ. Điều này mang những đám mây nhiễu động chứa đầy hơi nước vào khu vực TP.HCM gây mưa.
Ngày 15/10, TP.HCM có mưa rất to và hôm qua (16/10), lượng mưa có giảm. Không chỉ riêng TP.HCM, thời tiết các tỉnh Nam Bộ cũng bị ảnh hưởng bởi dải hội tụ nhiệt đới này.
Theo bà Lan, những ngày qua gió rất yếu, những hạt bụi, hạt nước bốc vào bầu khí quyển không bay lên cao mà giữ lại ở tầng thấp. Thêm yếu tố mưa làm cho độ ẩm rất cao, đầy hơi nước trong không khí.
Tòa nhà Landmark 81 xuất hiện mờ ảo trong màn sương dày đặc vào sáng 16/10. (Ảnh: Dân trí)
Đồng thời, tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM đang rất cao. Bầu khí quyển tầng thấp (từ mặt đất lên vài trăm mét) chứa đầy những hạt lơ lửng. Hạt này do bụi từ phương tiện giao thông, công trường xây dựng tạo ra.
Gió yếu khiến những hạt lơ lửng này không bay lên cao, mà giữ lại ở tầng thấp. Chính vì vậy, hạt lơ lửng đóng vai trò là hạt nhân để cho hạt hơi nước li ti bám vào. Hạt này lớn dần mới tạo thành sương.
Những điều kiện thuận lợi gồm: hạt bụi, hơi nước, gió yếu kết hợp tạo ra sương mù. Những ngày qua sương mù ở TP.HCM rất nhiều, thậm chí đến trưa sương vẫn chưa tan hẳn đi.
Theo tin tức trên báo Sài Gòn giải phóng, vào sáng 17/10, đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân ban đầu vụ cháy được xác định là do chập điện ở biển hiệu bên ngoài tòa nhà.
Theo đó, lúc 20h20 ngày 16/10, tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã xảy ra một vụ cháy ở tầng cao nhất khu C. Đây là tòa nhà gồm 12 tầng, cao tầng nhất của bệnh viện. Tòa nhà này đang vận hành với 45 phòng chức năng, 42 phòng khám bệnh và 8 phòng khám vip; hoạt động vào năm 2018.
Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do chập điện ở biển hiệu bên ngoài tòa nhà. Tấm biển làm từ nhựa và có thiết bị điện tử nên khi xảy ra cháy, lửa nhanh chóng bùng lớn, từng đốm lửa rơi xuống dưới khuôn viên bệnh viện và khu vực bên cạnh.
Hình ảnh vụ cháy ở bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. (Ảnh: SGGP)
Thời điểm xảy ra cháy, tòa nhà này đang có nhiều người, gồm người nhà và bệnh nhân, cùng các y bác sĩ. Theo người nhà và các bệnh nhân, khi chuông báo cháy reo, mùi khét lan ra khắp khu vực. Mọi người hô hoán nhau tháo chạy khỏi bệnh viện. Một số người vẫn ở lại trong phòng bệnh do chưa kịp phát hiện, cho tới khi đám cháy được dập.
Vụ cháy không ảnh hưởng đến bệnh nhân và bệnh viện vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.