(ĐSPL) - Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines có thể là trường hợp đầu tiên trên thế giới bị "tin tặc" bắt cóc, theo một chuyên gia chống khủng bố người Anh.
Cựu cố vấn khoa học của Cơ quan Nội vụ Anh Sally Leivesley nói với báo Sunday Express ở London rằng "tin tặc" có khả năng "tiếp quản" chiếc máy bay Boeing 777 bị mất tích, với các mã độc gây ra bởi một điện thoại di động hoặc USB.
|
"Tin tặc" bắt cóc chuyến bay MH370? |
Một khi "tràn ngập" hệ thống an ninh và kiểm soát máy bay, tin tặc có thể điều khiển từ xa - thay đổi tốc độ, độ cao và hướng bay bằng cách gửi tín hiệu vô tuyến đến hệ thống quản lý chuyến bay và thậm chí có thể điều khiển máy bay hạ cánh hoặc gây ra tai nạn máy bay.
Cố vấn khoa học Leivesley nói: "Có vẻ như đây là hành động của một người nào đó am hiểu về các hệ thống kỹ thuật rất tinh vi". Ông nói thêm có thể ai đó đã chiếm máy bay: hoặc trên thực địa hoặc thông qua một thiết bị điều khiển từ xa.
Nhật báo Sunday Express viện dẫn tiết lộ hồi tháng 4/2013 của Hugo Teso, một nhà tư vấn an ninh Đức và phi công thương mại, về phương thức chiếm quyền điều khiển máy bay bằng điều khiển từ xa, sử dụng các mã độc hại trên một ứng dụng điện thoại di động để xâm nhập hệ thống an ninh của máy bay.
Tuy nhiên, giáo sư Cees Bil của Đại học RMIT ở Melbourne nói với tờ Sydney Morning Herald rằng ông không tin vào khả năng chiếm quyền điều khiển một chiếc máy bay bằng điện thoại di động. Ông nói: "Tôi không tin một cái gì đó đơn giản như một chiếc điện thoại di động lại có thể can thiệp vào hệ thống an ninh của máy bay".
Những giả thiết về chuyến bay MH370 - biến mất cùng với 239 con người trên trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào rạng sáng ngày 8/3 - đã rộ lên như nấm sau mưa, kể từ khi Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, tuyên bố rằng hệ thống liên lặc Transponder của máy bay cố tình bị tắt.
Trong khi đó Thời báo Bắc Kinh (Beijing Times) tiếng Trung Quốc đưa tin rằng vào sáng ngày 14/3, sáu ngày sau khi chuyến bay MH370 biến mất, một người phụ nữ nhận được một cuộc gọi nhỡ từ điện thoại di động của cha mình là hành khách đi trên chuyến bay xấu số nói trên. Người phụ nữ này sau đó đã cố gắng gọi lại 3-4 lần, nhưng mỗi lần đều nhận được một thông báo "không liên lạc được".
Một chuyên gia viễn thông nói với tờ Thời báo Bắc Kinh về một số khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất là một cuộc gọi thực tế đã được thực hiện từ số đó. Thứ hai là một người nào đó giả mạo số điện thoại với phần mềm máy tính và thứ ba là lỗi hệ thống của các nhà điều hành mạng lưới điện thoại di động.
Minh Đức (theo WantChinaTimes)