Những cánh tay “đắc lực”
Tại kết luận điều tra mới ban hành, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã đề nghị truy tố Lê Quang Bình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68 về 3 tội danh, gồm "Đưa hối lộ"; "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản" và "Rửa tiền".
Ông Bình bị cáo buộc đưa tiền cho các cán bộ lãnh đạo tại UBND tỉnh An Giang và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để doanh nghiệp của mình được phép khai thác cát. Trong số đó, Nguyễn Thanh Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh nhận 300.000 USD; Trần Anh Thư, cựu Phó Chủ tịch tỉnh nhận gần 1 tỷ đồng; Nguyễn Việt Trí, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên nhận 3,1 tỷ đồng….
Do được giúp đỡ, từ ngày 24/12/2021 đến ngày 29/7/2023, Công ty Trung Hậu 68 khai thác hơn 5 triệu m3 cát nhưng cấp vào công trình theo Giấy phép hơn 1,3 triệu m3; còn lại bán ra ngoài và thu lợi bất chính gần 294 tỷ đồng.
Cũng theo thông tin từ kết luận điều tra, các bị can là lãnh đạo Công ty Trung Hậu 68 có vai trò giúp sức đắc lực cho bị can Bình gồm: Võ Truyền Thống, Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Tấn Lịnh, Giám đốc điều hành; Lê Trọng Hải, Phó Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty Trung Hậu 68 tại An Giang; Hoàng Hải Thụy, Phó tổng giám đốc.
Cụ thể, với vai trò là Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68 , Võ Truyền Thống được Lê Quang Bình giao phụ trách làm thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ cát của Công ty. Trong quá trình đó, ông Thống đã 4 lần đưa tổng số tiền 500 triệu đồng cho Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang để công ty được cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khai thác cát.
Ngoài ra, ông Thống còn được giao nhiệm vụ đối ngoại, quản lý các dự án được cấp phép, không tham gia quản lý điều hành khai thác mỏ cát. Biết biết mỏ cát của công ty chỉ được khai thác cát phục vụ dự án theo giấy phép được cấp, không được bán ra thị trường nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới bán hơn 5.000m3 cát, trị giá hơn 400 triệu đồng cho Công ty Văn Hiến và mua hoá đơn của công ty TNHH Vận tải xây dựng Thương mại An Phát để hợp thức hoá đầu vào của số cát này.
Ngoài ra, bị can còn thống nhất với Lê Trọng Hải bán cho công ty Trường Sơn để đưa vào dự án đường dẫn cầu Rạch Miễu gần 36.000m3 cát, trị giá hơn 2,8 tỷ đồng. Để Mã Văn Mỹ (làm kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa) lấy cát tại mỏ bán cho khách lẻ, trị giá hơn 5,5 tỷ đồng. Hành vi của Thống đã giúp cho Bình khai thác trái phép hơn 144.000m3 cát thu lời hơn 8,8 tỷ đồng.
Bị can Lê Quang Bình (ngoài cùng bên trái) và các thuộc cấp. (Ảnh: Bộ Công an)
Một “cánh tay đắc lực” của bị can Lê Quang Bình là Nguyễn Tấn Lịnh. Với vai trò Giám đốc điều hành Công ty Trung Hậu 68, được Lê Quang Bình giao soạn thảo văn bản làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động của mỏ cát.
Trong quá trình đó, theo chỉ đạo của ông Bình, Lịnh đã đưa 2 lần với tổng số tiền 300 triệu đồng cho Nguyễn Việt Trí, cựu Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang để công ty được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tăng công suất khai thác cát.
Cơ quan điều tra cáo buộc, Lịnh cũng biết mỏ cát chỉ được cung cấp cát cho các dự án được cấp phép, không được bán ra bên ngoài. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bình, Lịnh vẫn để công ty bán ra thị trường hơn 500.000m3 cát, thu lợi hơn 40 tỷ đồng.
Đối với bị can Lê Trọng Hải, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty Trung Hậu 68 tại An Giang. Theo chỉ đạo của Lê Quang Bình, Hải đã 2 lần đưa tổng số tiền 300 triệu đồng cho Nguyễn Việt Trí để Công ty được điều chỉnh giấy phép để tiếp tục được khai thác cấp cát cho tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trái quy định pháp luật.
Từ tháng 1/2023 đến 29/7/2023, ông Hải được Lê Quang Bình giao nhiệm vụ phối với hợp với Hoàng Hải Thụy quản lý hoạt động khai thác tại mỏ cát. Do đó, Hải biết mỏ cát chỉ được khai thác cung cấp cho các dự án theo giấy phép và không được bán ra ngoài thị trường.
Tuy nhiên, bị can vẫn thực hiện giao dịch, bán cát khai thác trái phép cho khách lẻ; theo dõi, tổng hợp số lượng cát khai thác trái phép từ mỏ cát báo cho Lê Quang Bình; nhận tiền bán cát khai thác trái phép từ Hoàng Hải Thụy để chuyển cho Lê Quang Bình giúp Công ty Trung Hậu 68 khai thác bán ra thị trường trái quy định pháp luật tổng khối lượng hơn 1,8 triệu m3 cát, thu lợi hơn 145 tỷ đồng. Hành vi này của các bị can vi phạm tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Đưa Hối lộ”.
Từ tháng 12/2021 đến ngày 29/7/2023, Hoàng Hải Thụy được giao phụ trách điều hành mọi hoạt động khai thác tại mỏ cát của công ty. Biết mỏ cát chỉ được khai thác cung cấp cho các dự án theo giấy phép và không được bán cát ra ngoài thị trường.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Lê Quang Bình, Thụy vẫn thực hiện hành vi tổ chức cho nhân viên thỏa thuận, bán vị trí khai thác cát, hợp tác với các đơn vị, cá nhân liên quan, khai thác bán ra ngoài thị trường trái quy định tổng khối lượng 3,7 triệu m3 cát, thu lợi bất chính gần 300 tỷ đồng.
Cụ thể, để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của 170 tỷ đồng do khai thác trái phép tại mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68, từ tháng 10/2022 đến ngày 29/7/2023, thực hiện chỉ đạo của Lê Quang Bình, ông Thụy nhận thanh toán tiền cát khai thác trái phép bằng tiền mặt hoặc mượn tài khoản của các cá nhân khác.
Sau đó, tiếp tục chuyển khoản số tiền trên qua nhiều tài khoản ngân hàng nhiều cá nhân khác nhằm che giấu nguồn gốc và để Lê Quang Bình sử dụng. Trong đó, ông Bình dùng hơn 41 tỷ đồng phục vụ nhu cầu cá nhân; gần 19 tỷ đồng để trả nợ; 39 tỷ đồng phục vụ chi phí hoạt động; hơn 47 tỷ đồng để đặt cọc mua 6 bất động sản và 8 xe ô tô. Hành vi này của bị can Hoàng Hải Thụy phạm tội “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Màn phối hợp “ăn ý” với các doanh nghiệp
Kết quả điều tra xác định, sau khi được bị can Nguyễn Thanh Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và một số bị can khác là cựu lãnh đạo tỉnh An Giang “tạo điều kiện”cấp giấy phép khai thác cát, Lê Quang Bình lập tức bán các vị trí khai thác trong khu vực mỏ cát của mình cho Công ty Mỹ Luông, Công ty Văn Anh, Công ty Hà Hải và Công ty Hiếu Hiếu Thảo để các doanh nghiệp này khai thác và bán cát trái phép thu lợi bất hợp pháp.
Theo đó, Lê Quang Bình đã thỏa thuận bán lần lượt hai vị trí khai thác cát (1 vị trí với giá 25 tỷ đồng/năm và 1 vị trí với giá 36 tỷ đồng/năm) cho Phùng Mỹ Luông, Giám đốc Công ty Mỹ Luông để công ty này tự do khai thác trái phép trong khu vực mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68.
Theo cáo buộc, từ tháng 3/2023 đến tháng 7/2023, Luông đã chỉ đạo đồng phạm điều hành các xáng cạp khai thác và bán cát trái phép với khối lượng gần 200.000m3, thu lợi số tiền gần 20 tỷ đồng.
Ngày 15/4/2022, Công ty Trung Hậu 68 và Công ty Văn Anh do Phạm Quốc Văn làm Giám đốc ký hợp đồng gia công. Theo hợp đồng này, Công ty Trung Hậu 68 giao cho Công ty Văn Anh một vị trí khai thác để khai thác gia công cát trong khu vực mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68. Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, do Công ty Văn Anh có vi phạm nên bị Công ty Trung Hậu 68 chấm dứt hợp đồng.
Bị can Phùng Mỹ Luông (Giám đốc Công ty Mỹ Luông) và Bị can Phạm Quốc Văn (Giám đốc Công ty Anh Văn). (Ảnh: Bộ Công an)
Biết Đinh Duy Tân, Giám đốc Công ty Xây dựng Thiên Tân có nhiều mối quan hệ, có thể tác động giúp Công ty Văn Anh được được khai thác cát trở lại nên Văn đã thỏa thuận với Tân cùng hợp tác để tiếp tục vận hàng xáng cạp khai thác cát tại mỏ của Công ty Trung Hậu 68, lợi nhuận hai bên chia đôi. Sau khi Tân đồng ý, Văn đã bổ nhiệm Tân làm Phó Giám đốc Công ty Anh Văn để Tân đại diện đi làm việc với Lê Quang Bình và lãnh đạo UBND tỉnh An Giang.
Quá trình hợp tác, Văn đã đưa cho Tân tổng cộng gần 4,7 tỷ đồng để Tân đi “quan hệ” giúp Công ty Anh Văn tiếp tục được khai thác cát. Đồng thời, từ tháng 6/2022 đến tháng 10/2022, Văn đã thỏa thuận đưa cho Lê Quang Bình 5 tỷ đồng (một tỷ đồng một tháng) để được tiếp tục khai thác cát trong khu vực mỏ của Công ty Trung Hậu 68.
Từ ngày 15/4/2022 đến tháng 2/2023, Văn đã chỉ đạo một số đối tượng khác quản lý xáng cạp khai thác cát trái phép, giao dịch bán cát, nhận tiền thanh toán trong khu vực mỏ của Công ty Trung Hậu 68. Trong thời gian này, Văn và đồng phạm đã khai thác và bán trái phép 375.249m3, thu lợi hơn 37,5 tỷ đồng.
Tháng 12/2022, Lê Quang Bình chỉ đạo cấp dưới thỏa thuận bán 50% vị trí khai thác cát (tương ứng 18 tỷ đồng một năm) cho Phạm Thanh Hải, là chủ Công ty Hải Hà để lấy tiền trả nợ. Trong quá trình khai thác, do không tin tưởng Lê Quang Bình nên Hải không mua vị trí khai thác nữa mà đòi lại tiền đã đưa, cộng thêm tiền bán thiết bị và lãi với tổng số tiền hơn 22,6 tỷ đồng.
Tháng 12/2022, Lê Quang Bình chỉ đạo Hoàng Hải Thụy (Phó Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) bán 50% vị trí khai thác cát (tương ứng 18 tỷ đồng một năm) cho Đặng Thanh Tuấn và Nguyễn Văn Trung (Giám đốc Công ty Hiếu Hiếu Thảo) để lấy tiền trả nợ.
Thực hiện thỏa thuận, Tuấn và Trung mỗi người đóng 9 tỷ đồng cho Hoàng Hài Thụy và thống nhất, lấy xáng cạp của người đang khai thác cát trước đó tại mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68 để khai thác bán cho khách lẻ. Qua đó, Thụy, Tuấn và Trung thống nhất chốt số liệu khai thác định kỳ 10 ngày một lần. Sau khi đối chiếu chốt số liệu, Tuấn đại diện chuyển cho Trung tiền thanh toán tiền thuê xáng cạp và tiền bán cát cho khách lẻ. Từ tháng 12/2022 đến tháng 7/2023, Tuấn đã chuyển cho Trung tổng số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.
Theo thông tin từ kết luận điều tra , tổng khối lượng cát Công ty Trung Hậu 68 khai thác là hơn 5 triệu m3. Trong đó, số lượng cát khai thác thực tế cung cấp vào công trình công cộng theo giấy phép của tỉnh An Giang là hơn 1,3 triệu m3; số lượng cát Công ty Trung Hậu 68 khai thác trái phép để bán cho các khách lẻ là hơn 3,7 triệu m3.
Trong số hơn 5 triệu m3 cát đã khai thác, Công ty Trung Hậu 68 tổ chức khai thác trái phép thác hơn 2,3 triệu m3; Công ty Mỹ Luông khai thác trái phép gần 200.000 m3, Công ty Hải Hà khai thác trái phép gần 263.000m3 và Công ty Hiếu Hiếu Thảo khai thác trái phép 136.000m3.