Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiết lộ bất ngờ của nam 9X Sài thành về nghề múa cột và chuyện ít biết

(DS&PL) -

Đến với nghề múa cột một cách tình cờ, đến nay Thiếu Quân (27 tuổi, trú tại TP.HCM) đã trở thành vũ sư múa cột chuyên nghiệp, được nhiều các bạn trẻ tin tưởng tìm đến học

Đến với nghề múa cột một cách tình cờ, đến nay Thiếu Quân (27 tuổi, trú tại TP.HCM) đã trở thành vũ sư múa cột chuyên nghiệp, được nhiều các bạn trẻ tin tưởng tìm đến học.

Nam vũ cơ bên cạnh các học viên.


Định kiến

Ngày nay, nghề múa cột vẫn là một trong những nghề mà xã hội rất khó cảm thông do nhiều định kiến khó xóa bỏ. Người ta nghĩ, múa cột chỉ để biểu diễn thoát y hay những vũ điệu khêu gợi trong các quán bar và các tụ điểm ăn chơi mà ít ai biết cũng là một bộ môn nghệ thuật được chia làm nhiều thể loại. Múa cột (Pole dance) có 3 dòng chính gồm: Pole Art (múa cột nghệ thuật), Pole Sport (múa cột thể thao) và Pole Exotic (múa cột quyến rũ).

Dù vẫn còn những định kiến nhưng ngày nay đã có nhiều người mạnh dạn theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. PV ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với Bùi Hoàng Thiếu Quân (27 tuổi), huấn luyện viên múa cột với có 10 năm trong nghề để hiểu hơn về những nhọc nhằn, khó khăn mà anh đã phải trải qua khi theo đuổi môn nghệ thuật bị coi là “tai tiếng” này.

Múa cột - bộ môn nghệ thuật tưởng như chỉ dành cho phái nữ lại được Thiếu Quân tự mày mò học hỏi và phát triển rất thành công. Năm 16 tuổi, Quân theo bạn vào bar chơi thì nhìn thấy các vũ công múa cột, cảm thấy khá mới mẻ nên tò mò muốn thử sức. “Tôi tự mày mò học, đi thi rồi sau đó là đi dạy. Đến nay, tôi đã gắn bó với múa cột được hơn 10 năm. Thời điểm tôi mới vào nghề, múa cột còn khá lạ lẫm ở Việt Nam, cơ sở vật chất để tập luyện và cơ hội cọ xát cũng không nhiều nên tôi “lân la” ra đấu trường quốc tế từ rất sớm. Giờ, mọi thứ dễ dàng và phổ biến hơn cũng là một điều tôi cảm thấy rất vui”, Quân chia sẻ.

Sau 4 năm miệt mài tập luyện, Quân từng tham gia thi đấu tại các đấu trường nước ngoài và may mắn đều thắng giải. “Lần đầu tiên tham gia đấu trường quốc tế cuộc thi Pole Star Championship tổ chức tại Malaysia, tôi may mắn thắng được ba mục Pole Sport, Pole Art và Overal Championship (2014). Năm 2015, tôi giành giải Nhì tại cuộc thi World Pole Globe tổ chức tại Đức. Gần đây nhất, năm 2019, tôi giành giải Ba Mr Pole Australia được tổ chức tại Sydney”, Quân kể.

Sau những năm nỗ lực không ngừng, Thiếu Quân trở thành cái tên khá nổi trong làng múa cột Sài thành. “Lúc đến với múa cột, đúng là tôi bắt đầu từ số 0 (từ hình thể tới sức mạnh và sự dẻo dai). Nhưng cứ sau mỗi động tác, tôi lại tự đòi hỏi bản thân phải nâng cấp hơn về độ khó. Tôi lên mạng tự tìm những bài tập (sức dẻo và sức bền) để bổ trợ".

"Như tôi đã chia sẻ lúc đầu, vì điều kiện và thông tin không nhiều nên tôi hơi loay hoay, không biết tập với cường độ như thế nào là đủ, là chuẩn. Vì thế, tôi gặp nhiều chấn thương mà chủ yếu liên quan tới khớp và cơ ở cổ tay, vai, lưng hoặc đầu gối. Nhanh thì một tháng còn lâu thì hai, ba tháng mới bình phục. Bị bầm tím, đau rát hoặc nhức mỏi là chuyện cơm bữa. Nhiều khi vì tập lâu quá nên vùng da tiếp xúc liên tục với cột bị bỏng rát, khó chịu vô cùng”, Quân tâm sự. Không chỉ gặp những khó khăn về chuyên môn ở thời điểm ban đầu đến với múa cột, Quân còn phải đối mặt với những định kiến. “Vì là con trai nên việc tham gia nghệ thuật, đặc biệt là nhảy múa thường bị cho là không nam tính. Hồi đó, tôi cũng căng thẳng và cực kỳ mông lung nhưng rồi thôi cũng kệ. Tôi chỉ còn biết tập trung vào việc mình đang làm, đang theo đuổi không dám nghĩ gì xa hơn”, Quân cho hay.

Truyền lửa cho những người theo học múa cột

Trước đây, chàng trai 9X có diễn sự kiện ở quán bar và tham gia show liên quan tới biểu diễn. Nhưng từ ngày làm huấn luyện viên, Quân ít nhận show hơn để tập trung cho việc giảng dạy. Học viên tìm đến trung tâm học thường ở độ tuổi tầm 18 đến 30, thậm chí cao hơn và ở các ngành nghề khác nhau.

Quân chia sẻ thêm: “Bên cạnh việc đứng lớp, tôi vẫn tự tập mỗi ngày, trung bình tầm 4 tiếng bao gồm cả tập cột và thể lực. Ngoài ra, tôi cũng dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để dựng bài cho các lớp học. Mọi thứ cứ xoay quanh cây cột đều đặn, đều đặn như vậy qua nhiều năm”.

Lời khuyên Quân dành cho các bạn còn đang đắn đo vì những định kiến xã hội mà không dám theo đuổi múa cột là đừng ngại, đừng chờ và đừng dễ dàng bỏ cuộc. “Mỗi bạn đến với cột đều có lý do và câu chuyện của riêng mình nhưng chỉ có những bạn thật sự yêu thích, nghiêm túc và tìm thấy được niềm vui ở bộ môn này mới có thể trụ lâu”, Quân nói.

Anh cho rằng không chỉ riêng ngành này, bộ môn này mà tất cả mọi thứ chúng ta làm nếu muốn đạt đến đỉnh cao thì phải có sự quyết tâm nhất định. Đặc biệt, những môn còn mới và chưa mang tính thể thao cộng đồng thì đòi hỏi người tham gia nghiêm túc gấp bội. Từ điểm 5 lên điểm 6 có thể không cần bước quá dài, nhưng từ điểm 5 lên điểm 9 lại là một quá trình. Câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta là, liệu mình muốn đạt được tới điểm mấy? Chàng trai mong muốn bản thân sẽ là người truyền cảm hứng, truyền lửa cho những người muốn theo đuổi múa cột.

“Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai. Dù tôi chưa biết ở tuổi nào tôi sẽ “nghỉ hưu” nhưng chừng nào sức khoẻ còn cho phép thì tôi vẫn cứ dạy cứ tập. Không tập nặng được thì tập nhẹ, không “huỳnh huỵch” thì “ mình thướt tha”, Quân cười.

Phong Linh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số Thứ 3 (204)

Tin nổi bật