Trong quá trình thực hiện triển khai, chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tại một số tỉnh thành đã lộ ra những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Vậy, những cán bộ để tiền hỗ trợ “đi nhầm đường” sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao? Liệu có còn xứng đáng tiếp tục làm công bộc của dân?
Nhiều gia đình hộ nghèo ở huyện Lạc Sơn bị xã "bỏ quên" trong việc chi tiền hỗ trợ. |
Kiên quyết loại cán bộ sai phạm khỏi bộ máy
Liên quan đến câu chuyện chi trả tiền hỗ trợ đại dịch Covid-19 của Chính phủ nhưng đang bị “lọt” sai đối tượng, trao đổi nhanh với PV tạp chí ĐS&PL, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Phó trưởng Đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) bày tỏ sự đáng tiếc khi xảy ra những sự việc như báo chí phản ánh.
“Để xảy ra những ồn ào ở huyện Lạc Sơn và một số địa phương khác liên quan đến gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương. Lý do là đã triển khai, tổ chức thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19”, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh nêu quan điểm.
Ông Sinh cho rằng, để làm rõ trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo cần phải kiểm tra, rà soát lại để xác định nguyên nhân dẫn tới những hành động gây bức xúc dư luận.
Vị Đại biểu này cho hay: “Phải làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ, đồng thời làm rõ vì sao họ không lập danh sách đúng đối tượng, hay tại sao lại để sót đối tượng. Nhưng, dù có lý do gì đi chăng nữa thì cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai không nghiêm túc, không kiểm tra, đôn đốc, không giám sát đến nơi đến chốn”.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, để người dân bức xúc là điều rất đáng phê bình. Nói về phương án giải quyết hậu quả, khắc phục về sự việc này, ông nêu rõ: “Cách khắc phục là phải cho rà soát lại đối tượng, khẩn trương làm thủ tục hỗ trợ người dân kịp thời để vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19”.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh khẳng định, cần xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm. Đặc biệt, những cán bộ đưa vào danh sách con cháu, người thân của mình thì phải kiên quyết loại khỏi hệ thống tổ chức bộ máy. Bởi, điều này liên quan đến đạo đức và sự liêm sỉ của cán bộ, công chức. Nếu để cho những cán bộ này tiếp tục làm đại diện cho Nhà nước ở các cấp thì chỉ làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương.
“Tôi cho rằng, những cán bộ này cần phải được xử lý nghiêm ở địa phương để răn đe, giáo dục và làm trong sạch bộ máy”, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh.
Xử lý hình sự
Trao đổi với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, để biết được các hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ đúng đối tượng hay chưa cần xem xét từ danh sách mà cán bộ cấp thôn, xã đưa lên là hộ nghèo, cận nghèo từ trước hay mới đưa. Còn nếu, trong đợt dịch vừa qua mới đưa thêm vào diện khó khăn khi phát hiện ra thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương.
Theo luật sư Vinh, chính quyền địa phương phải rà soát, xem xét lại đối tượng được đưa vào để nhận hỗ trợ là đúng hay sai. Phải xem xét từng cấp một là thôn, xã, huyện... cấp nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm.
“Cấp thôn không đưa danh sách lên nhưng cấp xã “gửi” vào thì đây là gian lận, cố tình làm sai và có thể xem xét, xử lý công vụ ở việc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao. Nặng có thể xử lý hình sự ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc Buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.
Thêm nữa, căn cứ vào số lượng tiền mà cán bộ thôn, xã làm thất thoát tài sản Nhà nước để xem cán bộ đó có phải chịu trách nhiệm hay chỉ bị xử lý về mặt hành chính. Trong trường hợp phản ánh trên, theo tôi phải xử lý, kỷ luật nghiêm trách nhiệm của cán bộ thôn, xã vì đã làm sai”, luật sư Vinh khẳng định.
Thanh Lam
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (83)