Theo thông tin trên báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo đã phát hiện, xử lý hơn 64.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, giảm 2,82% so với cùng kỳ năm 2023; thu nộp ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng, giảm 7,53%.
Trong tổng số các vụ việc trên, có 55.133 vụ gian lận thương mại và gian lận về thuế; 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, lần lượt giảm 9,7% và tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, đối với hoạt động vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, công tác chống buôn lậu trong thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do hệ thống quy định của pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.
Các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) là nơi để những đối tượng lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng; thông qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để cất giấu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; thông qua hoạt động tạm nhập, tái xuất để vận chuyển hàng hóa có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử được Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá là có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ.
Lực lượng QLTT Hà Nội là đơn vị tiêu biểu trong công cuộc tích cực đẩy lùi, giảm thiểu vi phạm trên không gian mạng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 822 vụ, xử lý 815 vụ vi phạm về thương mại điện tử.
Kho hàng chứa 3000 máy tính bảng không rõ xuất xứ bị phát hiện. ảnh:dms
Việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không hề đơn giản. Các trang website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư...
Theo đề xuất của Cục trưởng Chu Xuân Kiên trên báo Công Thương, cần tăng cường, bổ sung các chế tài xử phạt, xử lý như: Đình chỉ hoạt động hoạt động kinh doanh, buộc thu hồi tên miền của website thương mại điện tử vi phạm, khóa tài khoản mạng xã hội, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp...
Song song đó, có sự hướng dẫn rõ quy định đăng ký kinh doanh về thương mại điện tử, đặc biệt là đối với cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử.
Đáng chú ý, Cục trưởng Chu Xuân Kiên cho rằng, cần một đội ngũ chuyên nghiệp được tập huấn đầy đủ, bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Về nhân lực, sử dụng nguồn sẵn có.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng đó, các lực lượng chức năng quyết liệt hơn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những lổ hổng về pháp lý, sai sót để nhắc nhở các lực lượng chức năng trong việc thực thi đạo đức công vụ; thường xuyên quan tâm, nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, nhất là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.
Mặt khác, cần duy trì cũng như đổi mới tuyên truyền để người tiêu dùng có thể nắm bắt thông tin rõ ràng, cảnh giác hơn trên thị trường online.