Là một thuyền phó của tàu Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, cha bị bại liệt từ lâu, mẹ bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, trong giời gian cắt phép về chăm sóc người thân thì Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 đặt trái phép vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của ta nên trung úy Phạm Khả Đăng (24 tuổi) đã gác lại chuyện gia đình, vội vàng xin ra biển dù chưa hết phép để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông.
Mẹ ung thư, cha bại liệt
Trời miền Trung đang nóng như đổ lửa, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của gia đình thuyền phó CSB số hiệu 4033 Phạm Khả Đăng nằm khuất sau xóm Bắc Dinh, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Đang cùng vợ trẻ lo cơm cháo cho mẹ tên Nguyễn Thị Tĩnh mới từ Bệnh viện ở Hà Nội trở về, có khách lạ, anh Đăng tranh thủ ngồi tiếp chuyện. Anh cho biết, hơn một tháng trước, khi đang làm nhiệm vụ ngoài biển, nhận được tin mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về nên anh xin cắt phép về chăm sóc mẹ thời hạn từ ngày 12/4 - 26/5.
Trung úy Đăng cùng vợ bên người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối. |
Mặc dù xin cắt phép về chăm mẹ ung thư, bố bại liệt nhưng đầu tháng 5, đồng đội thông báo tình hình ở biển Đông đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta nên tàu 4033 và nhiều tàu khác đang chấp pháp, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan nên trung úy Đăng rất lo lắng, nóng ruột muốn ra với anh em đồng đội ngay.
Anh cho biết, thông tin về tình hình biển Đông, tàu anh làm nhiệm vụ thế nào luôn được anh dõi theo. Dù bận chăm sóc cha mẹ, nhưng có thời gian là anh lại xem tivi, lướt mạng để cập nhật tình hình.
Nóng lòng ra làm nhiệm vụ
Trung úy Đăng mới cưới vợ được 5 tháng nay. Tuy vậy, vì nhiệm vụ, anh có rất ít thời gian ở bên vợ. Chia sẻ với chồng, chị Nguyễn Thị Mận luôn động viên “anh yên tâm tập trung làm tốt nhiệm vụ, bố mẹ ở nhà đã có em lo". Nằm trên giường bệnh không thể tự ngồi dậy, bố của Đăng là ông Phạm Khả Thảo vẫn luôn dõi theo thông tin về tình hình biển Đông qua chiếc tivi nhỏ của gia đình.
"Hôm con trai nói xin bố mẹ để ra với đồng đội sớm hơn dù chưa hết phép, tui đồng ý ngay. Dù biết tình hình căng thẳng, nguy hiểm khi tàu Trung Quốc quá hung hãn nhưng nó đưa mẹ từ viện về không kịp nên đang ở lại đến hết phép rồi đi", ông Thảo tâm sự.
“Theo thời hạn, đến 26/5 mới hết phép, nhưng thấy tình hình ngoài biển căng thẳng, phức tạp, đồng đội làm nhiệm vụ vất vả nên tôi không yên tâm được. Vì thế, hôm tôi báo với lãnh đạo xin trở ra làm nhiệm vụ vào ngày 13/5 nhưng khi đưa mẹ từ bệnh viện Hà Nội về muộn không kịp thì tàu ra biển trước rồi", trung úy Đăng tâm sự.
Trung úy Đăng tốt nghiệp Học viện Hải Quân, năm 2011 về công tác tại tàu 4033, hải đội 201, Vùng cảnh sát biển 2, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Tàu 4033 có 22 thuyền viên, chỉ huy là thuyền trưởng Lê Trung Thành cùng ba thuyền phó, được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật, cứu hộ cứu nạn trên biển.
Thuyền phó Đăng nhớ lại lần đụng độ trên biển trước khi anh cắt phép về nhà là tháng 4 vừa qua, tàu 4033 cùng 9 tàu khác của các đơn vị làm nhiệm vụ tại khu vực vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam cách đất liền 90 hải lý, cách đảo Lý Sơn 130 hải lý, hướng tây nam Hoàng Sa trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì nhận được thông tin có một tàu lạ dài chừng 40m đang lao vào khu vực tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ.
Lúc này, tàu 4033 áp sát kịp để ép đầu, không cho tàu kia tiến vào khu vực tàu của ta làm nhiệm vụ nhưng nó vấn cố vào. Sau 40 phút ngăn cản ép đầu, cuối cùng tàu lạ kia đã phải rút lui.
Tuy nhiên, mũi tàu 4033 cũng bị hư hỏng vỡ toác một lỗ chừng 60cm, bị sóng biển đánh nước tràn vào. Các chiến sĩ trên tàu đã dùng đệm bông và vật dụng để bịt lỗ thủng rồi theo lệnh trở vào đất liền vá tàu rồi hôm sau lại tiếp tục ra biển làm nhiệm vụ.
"Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, mọi người con nước Việt đang hướng ra biển đảo. Tôi lại thấy mình phải bản lĩnh, dũng cảm hơn. Tôi cũng đã xác định tâm lý, khi Tổ quốc cần, dẫu có phải hy sinh cũng không chùn bước", thuyền phó Đăng cứng rắn nói.