Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thương lái ép giá nông dân trồng luồng bằng chiêu độc quyền

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Việc thương lái dùng chiêu độc quyền để ép giá nông dân trồng luồng ở xã Luận Khê,huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) khiến bà con bị đẩy vào thế không biết kêu ai.

(ĐSPL) – Tình trạng thương lái dùng thủ đoạn độc quyền để ép giá nông dân trồng luồng ở xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) khiến người nông dân bị đẩy vào thế bị o ép nhưng không biết kêu ai.

Theo phản ánh của người dân xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), trong khoảng thời gian hơn một năm nay, trên địa bàn xuất hiện một nhóm thương lái chuyên thu mua luồng của các hộ dân trong xã.

Từ khi có nhóm thương lái này xuất hiện, họ đã dùng thủ đoạn biến địa phương này thành vùng cung cấp luồng độc quyền cho mình. Tình trạng này khiến người dân trồng luồng nơi đây bị o ép và bức xúc nhưng chưa tìm ra cách tháo gỡ.

Thực tế, những thương lái này không trực tiếp mua bán với nông dân, mà ở địa phương lại có những người trung gian đứng ra thu mua nhỏ lẻ từ người dân, khi gom đủ số lượng thì thương lái mới cho xe tải đến vận chuyển đi tiêu thụ. Giá cả do thương lái quy định, người trung gian chỉ việc điều chỉnh theo để thu lời, cuối cùng người chịu thiệt chính là nông dân.

Chị T., một người địa phương từng đóng vai trò trung gian cho các thương lái này kể lại, vì bị o ép quá nhiều nên chị đã bỏ nghề, dù vậy vẫn rất bức xúc vì còn nhiều người hiện giờ đang chịu cảnh bị chèn ép như vậy.

“So với mặt bằng chung thì giá luồng ở xã Luận Khê thấp hơn các khu vực khác ít nhất 3.000 đồng/cây, thậm chí chênh lệch cao hơn tới 5.000 đồng. Chẳng hạn, một cây luồng có kích thước và chiều dài ngang nhau thì ở xã bên (xã Tân Thành – PV) được mua với giá 25.000 đồng/cây, nhưng ở đây chỉ được giá 20.000 đồng/cây. Họ lấy lí do là giao thông vận chuyển khó khăn hơn, nhưng thực tế không hẳn là vậy”, chị T. nói.

Ông Lương Văn L., một người dân trồng luồng ở thôn Mơ, xã Luận Khê cho hay: “Nhiều khi thiếu thốn đủ thứ, tiền ăn cho cả gia đình, tiền học cho con… chúng tôi phải đi ứng tiền trước với chủ mua luồng, rồi sẽ chặt luồng trả dần. Đến khi chặt cây ra đó rồi người ta tính giá bao nhiêu cũng phải chịu thôi. Cũng buồn vì giá thấp, muốn bán cho người khác cũng không được”.

Cây luồng là một trong số ít những cây đem lại nguồn thu nhập cho người dân nghèo.

Chị H., một người cũng làm công việc trung gian thu mua luồng ở Luận Khê để bán lại cho các thương lái bức xúc cho biết, những thương lái còn dùng “xã hội đen” để bảo kê cho hoạt động làm ăn của mình, nếu có người khác đến thu mua hoặc người dân tự ý đem hàng đi tiêu thụ thì sẽ bị côn đồ xử lý hoặc tìm cách gây khó dễ khi ra khỏi địa bàn xã. Lo sợ trước những lời đe dọa, cùng với việc tự nhận thấy mình yếu thế, nên người dân chỉ biết chấp nhận để giữ mối làm ăn và tránh rắc rối.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cầm Thanh Xứng, Chủ tịch UBND xã Luận Khê xác nhận đã nghe sự phản ánh của người dân. Ông cho biết cũng  đang rất băn khoăn và trăn trở về hướng xử lí sự việc này.

Ông Xứng chia sẻ: “Mặc dù đã nghe người dân phản ánh, tuy nhiên chính quyền lại chưa có đủ cơ sở và thẩm quyền để vào cuộc giải quyết vụ việc. Bởi vì thực tế thì lâu nay việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, trên địa bàn vẫn chưa xảy ra một vụ ẩu đả, hay tranh chấp gì về các mối quan hệ làm ăn này, mọi thứ họ đều tự thương lượng, giải quyết với nhau. Thậm chí nếu có vấn đề gì xảy ra thì cũng là ở ngoài địa phận của xã, chúng tôi không có quyền can thiệp. Mặc dù chính quyền địa phương có gặp một vài khó khăn và trở ngại, tuy nhiên chúng tôi đang cố gắng để tìm ra phương án giải quyết vấn đề”.

Ông Xứng cũng chia sẻ thêm, Luận Khê là một trong những xã nghèo nhất của huyện Thường Xuân, địa hình phức tạp. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, cây luồng là một trong số ít những cây đem lại thu nhập cho người dân nghèo ở đây. Bởi thế, nó có vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế của người dân địa phương.

“Mong muốn của địa phương là làm sao để hoạt động giao thương buôn bán phát triển lành mạnh và cạnh tranh công bằng để đem lại cái lợi cho người nông dân”, ông Xứng nói.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn: Người đưa tin

[mecloud]IMJCS4R2Eq[/mecloud]

Tin nổi bật