Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thuốc đông y không giấy phép - "nổ" tung trời về công dụng thần thánh

(DS&PL) -

Sau khi bị kiểm tra và phát hiện hàng ngàn sản phẩm đông y “3 không”, cơ sở Xuân Ngọc Đường đã bị xử phạt hơn 50 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm sai phạm.

Sau khi kiểm tra và phát hiện hàng ngàn sản phẩm đông y “3 không” của cơ sở Xuân Ngọc Đường, cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt cơ sở này hơn 50 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm sai phạm. Sở Y tế Hà Nội cũng chính thức vào cuộc kiểm tra các cơ sở đông y không phép.

Kiểm tra rà soát cơ sở y tế chui

Sau khi báo ĐS&PL đăng tải loạt bài phản ánh những sai phạm của cơ sở Xuân Ngọc Đường, trong buổi làm việc với PV, đại diện chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngày 30/6/2017, đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính số 0009980/QĐ – XPVPHC đối với cơ sở đông y Xuân Ngọc Đường do ông Trần Khánh Linh (Đông Anh, Hà Nội) làm chủ.

Theo quyết định xử phạt hành chính, cơ sở Xuân Ngọc Đường bị phạt 4 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký lập hộ kinh doanh; phạt 7,5 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh thuốc đông y không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; Phạt 45 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng mức tiền phạt đối với cơ sở bán thuốc Xuân Ngọc Đường là 56,5 triệu đồng. Trong quyết định xử phạt cũng nêu rõ, việc tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm thu giữ, niêm phong trước đó.

Các sản phẩm không phép, không nhãn mác của Xuân Ngọc Đường sẽ bị tiêu hủy. Ảnh: Thành Long.

Theo quyết định xử phạt nêu trên, cơ quan chức năng cũng buộc cơ sở Xuân Ngọc Đường phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh sau 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Nói về việc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm, ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 6 cho biết, việc tiêu hủy sẽ được tiến hành ngay sau khi thành lập hội đồng.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội khuyến cáo: “Theo quy định của bộ Y tế, một bài thuốc gia truyền khi lưu hành cần phải rõ công thức (tên từng vị, liều lượng), dạng thuốc, cách dùng, đường dùng, liều lượng, chỉ định và chống chỉ định. Người dân nên cảnh giác và thận trọng khi sử dụng những bài thuốc đông y gia truyền, nhưng không ghi rõ thành phần, công dụng trên bao bì”.

Nói về việc các cơ sở đông y không phép, bà Hà cho biết, hiện sở Y tế Hà Nội đã giao phòng Quản lý hành nghề tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở y tế chui trên địa bàn.

Nguy cơ nhãn tiền từ mác gia truyền

Hiện nay, nhiều người vẫn tin dùng thuốc đông y vì cho rằng loại thuốc này có nguồn gốc từ các loại thảo dược, cây cỏ tự nhiên sẽ ít độc hại, ít tác dụng phụ hơn thuốc tây. Tuy nhiên, các cơ sở đông y này quảng cáo cường điệu về tác dụng thật của thuốc đông y khiến người dùng phải chi rất nhiều tiền nhưng không có tác dụng. Cũng chính từ nguồn lợi này mà nhiều nhà thuốc chui bất chấp các quy định của pháp luật để thu lời bất chính.

Ai đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi sử dụng thuốc không có chứng nhận?

Từ vụ việc của cơ sở đông y không phép Xuân Ngọc Đường cho thấy, hiện nay có không ít kẻ mượn mác “gia truyền” để hành nghề không phép, không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Những cơ sở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người bệnh.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó Giám đốc học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết: “Hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều các liệu trình trị mụn, tàn nhang hay nám cấp tốc bằng thuốc đông y bao gồm các loại thảo dược để uống, hay làm cao để điều trị. Rất khó để đánh giá được hết chất lượng của các cơ sở mang mác đông y cổ truyền này. Họ liên tục rao bán các sản phẩm chữa trị các bệnh về da do chính họ tạo ra mà không hề có sự kiểm duyệt hay chứng nhận của các cơ quan chức năng”.

Ông Thuần cũng cho hay, việc các cơ sở đông y hoạt động mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng là không đáng tin cậy bởi về nguyên tắc, khi đã điều trị về một bệnh nào đó phải được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Khi rao bán thuốc đông y trên mạng, các cơ sở này phải có trách nhiệm đóng thuế và chịu sự kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có một bộ phận có đăng ký, còn phần lớn các bộ phận không hề đăng ký nhưng vẫn quảng cáo, rao bán “làm mưa, làm gió” trên mạng. Thông thường, để nhận biết chất lượng các vị thuốc đông y là rất khó.

“Nếu anh muốn giới thiệu một liệu trình chữa trị thì phải có đăng ký, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt khoa học. Bán sản phẩm không có chứng minh khoa học, sự nghiên cứu thì không thể tin cậy được. Nhiều khi có những loại dược liệu hết sức bình thường, nhưng các cơ sở này lại tự vẽ ra công dụng “thần thánh”, đánh lừa bệnh nhân. Thực chất, những loại cây đó chỉ có tác dụng giải độc gan. Khi đọc những lời quảng cáo này trên mạng, bản thân tôi cũng vô cùng bức xúc. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn việc quảng bá các thông tin này trên các website hoặc mạng xã hội...”, ông Thuần nói.

“Không ai phủ nhận được hiệu quả của việc chữa bệnh bằng đông y và từ lâu nước ta đã khuyến khích đông - tây y kết hợp để điều trị bệnh. Theo ước tính, cả nước có hàng chục nghìn người hành nghề không phép, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y dược cổ truyền”, ông Thuần kết luận.

Hội Đông y Việt Nam có khoảng 70.000 hội viên

Theo hội Đông y Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 70.000 hội viên và dự kiến đến hết năm nay sẽ thống kê chính xác có bao nhiêu người hành nghề khám chữa bệnh đông y có phép hay không phép. Trên thực tế, số người hành nghề không phép rất nhiều nhưng số trường hợp bị xử lý lại rất ít. Chỉ khi nào xảy ra những vấn đề bức xúc, cơ quan chức năng mới xử lý người hành nghề y.

Lại Cường - Đỗ Chang

Tin nổi bật