Sáng 24/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm gồm Dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành. Ảnh: Công an nhân dân
Tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ khánh thành tại điểm cầu dự án Cảng hàng không Điện Biên (TP.Điện Biên Phủ).
Tại đầu cầu Tiền Giang, Phó thủ tướng Lê Minh Khái tham dự lễ thông xe dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Đầu cầu Vĩnh Long, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự lễ thông xe cao tốc Bắc - Nam đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Theo báo Vietnam Plus, Thủ tướng nhấn mạnh 4 dự án có tổng số vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng được tổ chức khánh thành cùng lúc bằng hình thức trực tuyến ngày hôm nay là dấu mốc lịch sử bởi Giao thông Vận tải nói chung và đường cao tốc, bến cảng, sân bay mang lại hiệu quả, giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế - xã hội, du lịch phát triển đến đó, giảm chi phí logistics tạo cạnh tranh cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại tiết kiệm thời gian công sức.
“Bốn công trình này đã nâng tổng số km đường đưa vào khai thác là 730km cao tốc Bắc - Nam phía Đông và tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước gần 1.900km. Hiện các đơn vị đang thi công gần 1.700km cao tốc Bắc-Nam kết nối với Đông-Tây. Mục tiêu đặt ra là sẽ hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025 và đến 2030 có trên 5.000km cao tốc Bắc-Nam và Đông-Tây. Đây là việc khó nhưng phải quyết tâm làm”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra các dự án khánh thành hôm nay đều có chung đặc điểm là vướng mắc pháp lý, huy động vốn khó khăn; nguyên vật liệu giá cả biến động, khan hiếm vật liệu thông thường; thi công trong điều kiện dịch bệnh, biến động thời tiết; giải phóng mặt bằng khó khăn và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: Công an nhân dân
Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, công nhân nhà thầu, sự giúp đỡ nhân dân nơi dự án đi qua, sự vào cuộc của địa phương cùng với tinh thần “vượt nắng thắng mưa; ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường chiến thắng đại dịch; làm việc xuyêt đêm, xuyên Tết; 3 ca, 4 kíp” tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết đã lan tỏa, truyền cảm hứng và tin chắc những dự án tiếp theo có cơ sở nền tảng hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan địa phương phối hợp làm tốt công tác khai thác có hiệu quả; thanh quyết toán dự án công khai, minh bạch, các trạm dừng nghỉ cần nghiên cứu làm và triển khai; lưu ý đến đời sống của nhân dân nhường đất cho dự án; duy tu, bảo dưỡng kiểm tra, bảo vệ môi trường…
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Sân bay Điện Biên. Ảnh: Công an nhân dân
Theo báo Thanh niên, Cảng hàng không Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 1.470 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Ngoài ra, phần dự án giải phóng mặt bằng 1.555 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án được khởi công ngày 22/1/2022, do ACV làm chủ đầu tư.
Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với đường cất hạ cánh được xoay trục xây mới có chiều dài 2,4 km, rộng 45 m, sân quay 2 đầu, sân đậu tàu bay mới với 4 vị trí, đồng bộ kết cấu bê tông xi măng; xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT 1... đảm bảo tiếp thu các loại tàu bay thế hệ mới A320, A321 hoặc tương đương.
Nhà ga hành khách được mở rộng, nâng công suất thiết kế từ 300.000 lên 500.000 khách/năm đã nâng cao được năng lực khai thác, tạo điều kiện kết nối hiệu quả Điện Biên với các vùng kinh tế khác trên cả nước bằng máy bay phản lực hiện đại và cũng là tiền đề cho các đường bay quốc tế trong tương lai.
Hình ảnh cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Ảnh: Công an nhân dân
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Dự án có điểm đầu tại Km0+00 (tại KM127+500 của QL2) thuộc xã Lưỡng Vượng (Tuyên Quang); điểm cuối tại Km40+200 kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Phú Thọ).
Dự án có nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 14 m (gồm 4 làn xe) với tổng chiều dài tuyến là 40,2 km. Trong đó địa phận tỉnh Tuyên Quang là 11,3 km, địa phận Phú Thọ là 28,9 km với tổng mức đầu tư 3.712,97 tỷ đồng.
Được khởi công vào ngày 1/2/2021, đến nay dự án cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh được duyệt (hoàn thành năm 2023).
Cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Ảnh VGP
Dự án công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, chiều dài tuyến 23 km.
Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại Km107+363, thuộc phường Tân Hòa, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130+337, thuộc địa phận TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, kết nối với QL1 tại nút giao Chà Và.
Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 1/2/2021, đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 do Ban quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi TP.Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Vân Anh (T/h)