Vừa mất trắng trong đợt lũ dữ tháng Mười, người dân trồng hoa tại xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đang xốc lại tinh thần, khẩn trương trồng lại những vườn hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2021, với hy vọng về một cái Tết tươm tất.
Vườn hoa hút khách vào mỗi dịp Tết. |
Thiệt hại trên những ruộng hoa xuân
Có mặt tại làng hoa Phú Mậu những ngày cuối năm, PV tạp chí Đời sống & Pháp luật chứng kiến một không khí lao động rất sôi nổi, khẩn trương. Những người nông dân trồng hoa hối hả thúc bách nhau ra đồng vun đất, tỉa luống cho kịp vụ hoa xuân sắp tới.
Xã Phú Mậu nằm cuối nguồn sông Hương, được bồi đắp một lượng lớn phù sa màu mỡ. Nơi đây được xem là “thủ phủ” của các loài hoa nổi tiếng đất Cố đô, cung ứng hoa phục vụ dịp Tết cổ truyền trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Tận dụng lợi thế về chất đất và khí hậu, từ bao đời nay các hộ gia đình ở đây đều làm đất trồng hoa và trông chờ vào nguồn thu nhập cao hơn vào mỗi dịp Tết.
Thế nhưng năm nay, đợt mưa lũ liên tiếp vào đầu tháng Mười đã làm cho nhiều diện tích trồng hoa Tết của làng hoa Phú Mậu bị hư hại. Thời điểm đó, bất lực trước những đợt lũ cuồn cuộn đổ về, người làng Phú Mậu đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Giờ đây, trên nét mặt người nông dân Phú Mậu, nét âu lo, buồn bã vẫn còn hiển hiện. Theo nhiều bà con, trong đợt mưa lũ vừa qua, nước lên quá nhanh về đêm. Hoa cây cảnh trồng ở ngoài vườn và đồng ruộng với số lượng lớn nên nhiều nhà dù huy động hết nhân lực và dụng cụ, thức trắng đêm nhưng cũng không kịp khuân vác, kê dọn hết. Mưa lũ khiến diện tích hoa bị hư hại gần như hoàn toàn, hầu hết phải trồng lại.
Ông Trần Văn Minh cho hay, do việc trồng hoa đem lại nguồn thu nhập khá vào dịp Tết nên 4 năm qua gia đình ông đã thực hiện dự án chuyển đổi mô hình trồng hoa bằng cách tận dụng 3 sào đất vườn và thuê thêm 2 sào đất để trồng hoa Tết.
“Ở đây chúng tôi phần lớn đều trồng hoa cúc bán Tết và hầu như gia đình nào cũng trông chờ vào vườn hoa. Cứ mỗi sào như thế, tôi đầu tư 2 triệu đồng tiền giống, 2 triệu đồng tiền phân bón, chưa kể tiền phun thuốc trừ sâu. Cứ tưởng năm nay thời tiết thuận lợi sẽ vớt vát lại chút ít vốn liếng nhưng trận lũ đầu tháng Mười khiến toàn bộ hoa trồng trong chậu và ngoài vườn đều bị ngập và hư sạch”, ông Minh nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Hồ Văn Phú chia sẻ thêm: “Nước lũ lên cao nên dù gia đình có sử dụng giàn lưới chống mưa nhưng mưa lũ vẫn làm gần 3 sào hoa cúc của gia đình tôi bị hỏng hoàn toàn. Mặt bằng sản xuất bị biến dạng nên gia đình phải cải tạo, khôi phục lại để kịp sản xuất. Mưa, lũ cũng khiến hệ thống màng lưới che xung quanh khu vực trồng hoa bị rách nát, lưới che cũng bị hỏng, rất khó khăn cho việc gieo giống trở lại để kịp phục vụ Tết”.
Hoa tại làng hoa Phú Mậu được chuyển tới chợ hoa vào dịp Tết hàng năm. |
Chạy đua với thời gian
Ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, người dân làng hoa Phú Mậu đã hối thúc nhau ra vườn hoa, tạt nước, gột rửa bùn đất, rác rưởi..., với hy vọng tái sản xuất, chạy đua kịp với thời gian để kịp phục vụ Tết Nguyên đán đang tới gần.
Nhiều hộ trồng hoa ở làng hoa Phú Mậu đã phải lắp đặt thêm số lượng bóng điện chiếu sáng tại các vườn hoa để rút ngắn thời gian sinh trưởng. Cùng với đó, thay vì “cơi” hai lần cho hoa cúc như mọi năm, thời gian này, bà con phải giảm bớt một lần “cơi”, đồng nghĩa với việc mỗi gốc chỉ mọc được 2 nhánh hoa, và như vậy, số cây hoa giống trồng bổ sung vào mỗi chậu sẽ phải tăng lên gấp đôi, gấp ba mới đủ phủ dày diện tích chậu hoa khi xuất bán.
Song song với việc bố trí nhiều bóng điện chiếu sáng, người dân trồng hoa còn dùng bình phun xịt, tẩy rửa bùn trên lá và thân cây, bơm thuốc kích thích rễ để cây hoa có thể phát triển trở lại, tích cực chuyển đổi sang trồng các loại hoa ngắn ngày cho kịp Tết.
Cùng chung sức với người dân vượt qua khó khăn bởi bão lũ, chính quyền các cấp tại Thừa Thiên - Huế cũng đã nhanh chóng triển khai các phương án hỗ trợ người dân, kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trong nước chung sức hỗ trợ cây trồng, vật dụng thiết yếu để hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Ông Trần Vãng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu - thông tin, lũ chồng lũ gây thiệt hại nặng nề đối với 30ha rau màu và 10ha hoa trồng vụ Tết của gần 120 hộ dân, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Nhiều hộ dân trồng hoa Tết 2 lần đều bị lũ nhấn chìm, trở thành trắng tay, có nguy cơ tái nghèo. Chính quyền địa phương đã động viên người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhổ bỏ số hoa màu bị hư hại để tiếp tục trồng lại vụ mới.
Ông Võ Viết Bảo - người có rất nhiều năm đam mê, gắn bó với nghề trồng hoa ở làng hoa Phú Mậu - cho biết: “Tháng Mười Hai, chúng tôi đã bắt đầu trồng lại hoa và đang chăm sóc nhưng ai cũng lo lắng tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Thời vụ có kịp Tết không là do mình canh. Mình canh để mình cơi, cắt cho đúng Tết nở hoa. Nhưng có cái là bông hoa sẽ không to, không đẹp, cây không lớn như mọi khi”.
Mưa lũ đã đi qua, đến Huế vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2021, ngắm những khóm cúc, những vườn hoa nhiều sắc màu, cùng cảnh sắc mây trời trong xanh hiền hòa..., chúng tôi thấy rằng, đi qua khốc liệt của thiên tai bão lũ, mảnh đất Phú Mậu vẫn kịp hồi sinh đầy kỳ diệu để mang đến những sắc màu tươi tắn trên khắp mọi nẻo đường.
Đình Tuấn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (1)