Những ngày này, trên mạng xã hội, nhiều người than thở hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng vọt, thậm chí còn tăng gấp 2-3 lần so với những tháng trước đó dù máy điều hòa vẫn sử dụng như vậy.
Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, tháng 6 vừa qua ghi nhận nền nhiệt trung bình tại Hà Nội tăng từ 2-6 độ C so với tháng 5. Đặc biệt, có ngày, nhiệt độ ngoài trời lên tới 41 độ C, mức cao nhất từ đầu mùa hè.
Nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, đặc biệt với các thiết bị làm mát như máy điều hòa, quạt và tủ lạnh. Hơn nữa, kỳ nghỉ hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng nên thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.
"Nhiệt độ cao không chỉ làm tăng tần suất sử dụng điện mà còn khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì hiệu quả vận hành. Khi chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời lớn, điều hòa phải hoạt động liên tục, ít ngắt máy, dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng cao dù thời lượng sử dụng không thay đổi", EVNHANOI giải thích.
"Thủ phạm" khiến tiền điện tháng 6 tăng đột biến.
Báo Tiền phong cho biết, ngoài ra, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt theo Quyết định 1279/QĐ-BCT từ ngày 10/5/2025 với mức tăng 4,8% ở tất cả các bậc thang cũng là yếu tố khiến chi phí điện của các hộ gia đình trong tháng 6 tăng cao.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), máy điều hòa nhiệt độ là một trong 5 thiết bị điện phổ biến (điều hòa, tủ lạnh, bình nóng lạnh, bếp điện và nồi cơm điện) trong gia đình "ngốn" điện nhất.
Điều hòa có thể chiếm từ 28-64%, thậm chí lên tới 80% tổng lượng điện tiêu thụ trong gia đình tùy vào tần suất và điều kiện sử dụng. Đặc biệt, khi trời càng nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời càng cao thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa sẽ càng lớn.
Khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C thì mức tiêu thụ điện của điều hòa sẽ tăng thêm 2-3%. Chẳng hạn, khi nhiệt độ tăng 5 độ C, điều hòa có thể tiêu thụ thêm khoảng 10% điện năng.
Chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, thời gian qua, xuất hiện một số ý kiến phản ánh của khách hàng về việc tiền điện tháng 6 tăng đột biến. Để đảm bảo thông tin đầy đủ và rộng rãi, EVN đã yêu cầu các tổng công ty điện lực rà soát và cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời các trường hợp có sản lượng điện năng hoặc số tiền thanh toán tăng bất thường trong kỳ hóa đơn này và kịp thời giải thích rõ ràng cho khách hàng.
Các đơn vị cần cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng điện tiêu thụ trong kỳ hóa đơn, giải thích rõ cách tính hóa đơn - đặc biệt đối với các hộ sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt.
Trước tình hình đó, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng cần chủ động theo dõi lượng điện tiêu thụ của gia đình hằng ngày thông qua hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của EVNHANOI như App EVNHANOI, website evnhanoi.vn,...
Khách hàng nên thường xuyên kiểm tra sản lượng điện, đặt ngưỡng cảnh báo khi vượt mức tiêu thụ bình thường để kịp thời điều chỉnh hành vi sử dụng điện. Đặc biệt trong mùa hè, người dân nên sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý (từ 26-28°C), kết hợp với quạt, tắt các thiết bị khi không cần thiết và hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị công suất lớn trong khung giờ cao điểm từ 12h - 15h và từ 22h - 24h hàng ngày…
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh khuyên, để tiết kiệm điện thì cách đơn giản nhất là dùng ít đi, cài đặt nhiệt độ phòng cao nhất có thể, đóng kín cửa nhưng phải thông gió cho phòng sau mỗi 3-4h sử dụng để đủ dưỡng khí. Khi nhiệt độ ngoài nhà xuống dưới 26 độ C thì nên tận dụng gió trời xuyên phòng làm mát phòng để đỡ phải bật điều hòa.
Vậy nên, vào những ngày trời nắng nóng từ 35-40 độ C, điều hòa hoạt động hết công suất thì điện năng tiêu thụ tốn hơn rất nhiều so với những ngày nắng nóng có nền nhiệt 30-35 độ C.
Ngoài ra, thói quen cài đặt nhiệt độ quá thấp cũng "ngốn" rất nhiều điện năng. Theo đó, người dùng cài đặt nhiệt độ điều hòa thấp hơn 1 độ C so với mức cài đặt nhiệt độ tiêu chuẩn (khoảng 24-27 độ C) thì sẽ tiêu tốn thêm 1-2% lượng điện.