Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ khoa và lối rẽ sau những trang sổ vàng (bài 4): Hành trình "đi tìm cuộc sống" của nữ Thủ khoa Sân khấu điện ảnh

(DS&PL) -

“Đại học không phải con đường duy nhất đến thành công! Thủ khoa đại học cũng không nhất thiết phải thành công ở lĩnh vực mà mình đã tốt nghiệp xuất sắc”.

“Đại học không phải con đường duy nhất đến thành công! Thủ khoa đại học cũng không nhất thiết phải thành công ở lĩnh vực mà mình đã tốt nghiệp xuất sắc”, đó là những lời nhắn nhủ của một nữ Thủ khoa trường đại học Sân khấu điện ảnh năm 2011 đến những ai đã, đang và sẽ trở thành sinh viên.

Duyên đến, duyên đi và “cái bóng” Thủ khoa nghệ thuật

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố mẹ hoạt động trong đoàn nghệ thuật cải lương tỉnh Quảng Ninh, những tưởng, nữ Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ngành Diễn viên sân khấu kịch hát, trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội sẽ “nối nghiệp gia đình”, nhưng tấm bằng đó vẫn đang “nằm yên” sau gần chục năm. Đó là câu chuyện của chị Vũ Thị Hương Lan (SN 1987), một trong những Thủ khoa tốt nghiệp đại học được vinh danh năm 2011 tại Hà Nội.

“Khoảng một tháng sau chương trình tuyên dương Thủ khoa, thời điểm đó, Hà Nội đang có chính sách “thu hút nhân tài”, nếu Thủ khoa làm việc ở Hà Nội thì được tuyển thẳng vào biên chế. Bản thân tôi lúc đó, nghĩ rằng âu cũng là một mối cơ duyên nên đã quyết định “đầu quân” về Thành đoàn”, Hương Lan bắt đầu câu chuyện.

Mặc dù khá bỡ ngỡ khi đặt chân vào lĩnh vực không mấy liên quan đến ngành học, nhưng cô nàng tân Thủ khoa khi đó cũng nhanh chóng “bắt nhịp” với công việc, may mắn khi có nhiều đồng nghiệp đi trước tận tình chỉ bảo. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm gắn bó với Thành đoàn, chị Lan lại một lần nữa đưa ra quyết định bất ngờ, chuyển về công tác tại nhà hát Chèo Việt Nam từ đầu năm 2017, với vai trò truyền thông - marketing.

Chị Hương Lan

Điều mà Hương Lan nhớ nhất khi vừa rời khỏi giảng đường đại học, đó là ánh mắt của mọi người xung quanh: “Trong mắt mọi người, tôi là một Thủ khoa nghệ thuật, chắc chắn có sự khác biệt với những Thủ khoa các chuyên ngành khác như kinh tế, lý luận, ngôn ngữ...”.

“Mà kể cũng kỳ, tôi đến với ngành học nghệ thuật như một cái duyên... Mặc dù sinh ra trong “cái nôi” nghệ thuật, nhưng bố chưa bao giờ truyền nghề, tôi chỉ “học lỏm” qua những lần xem bố dạy học trò.

Thêm vào đó, tôi phải sống xa bố mẹ từ nhỏ, tuổi thơ của tôi ở với ông bà nhiều hơn ở với bố mẹ. Chứng kiến những hành trình vất vả của người nghệ sĩ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề. Ấy vậy mà, sau khi trượt nguyện vọng 1 vào ngành Quản trị kinh doanh, trường đại học Hà Nội năm 2005; một năm sau, tôi đăng ký rất nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau nhưng không hiểu run rủi thế nào, lại chọn ngành Diễn viên sân khấu kịch hát. Đến khi có kết quả trúng tuyển, cả gia đình còn bất ngờ vì không biết con gái đăng ký...”, chị Lan “tua lại” đoạn ký ức một cách hóm hỉnh.

Nhưng duyên đến rồi duyên lại đi. Hít một hơi dài, chị tiếp tục câu chuyện: “Bản thân tôi ngay lúc đó cũng đã nghĩ, mình chỉ đi học thôi rồi sau đó tìm một con đường khác. Năm 2009, một người bạn gợi ý tôi nên học thêm một ngành khác. Vốn vẫn yêu thích lĩnh vực kinh tế nên tôi chọn ngành Tài chính ngân hàng, trường đại học Kinh tế, đại học Quốc gia Hà Nội”.

Khoảng thời gian đó, cô nữ sinh vừa phải chinh chiến ở cả hai trường đại học, vừa phải chăm sóc gia đình nhỏ, vì cô đã quyết định lập gia đình và sinh con từ tuổi 20. Nhìn bạn bè đồng trang lứa, cũng có lúc cô thấy “thèm” sau giờ học được xếp cặp đi chơi, nhưng rồi trở lại thực tại, cô vẫn xoay xở để thành công mang về hai tấm bằng đại học.

Tuy nhiên, sau khi ra trường, Hương Lan không làm gì liên quan đến cả hai ngành học, hai tấm bằng được gác lại trong tủ cùng những chứng nhận, bằng khen như những dấu ấn đáng nhớ trên con đường học vấn. “Cũng có nhiều người hỏi tôi vì sao học song bằng rồi để đó. Nhưng tôi lại suy nghĩ tích cực: Bản thân tôi còn không tiếc mà vì sao mọi người phải tiếc thay tôi?!”.

Ngay khi công tác tại Thành đoàn Hà Nội, hay cả giai đoạn sau này, khi chuyển về nhà hát Chèo Việt Nam, Hương Lan đều tâm niệm: “Cái gì mình chưa biết thì phải học hỏi. Phải trau dồi, phải tích lũy để thích nghi với cuộc sống, với công việc thực tiễn, phải thoát khỏi “cái bóng” Thủ khoa nghệ thuật. Đâu phải cứ trở thành Thủ khoa là nhất nhất phải đi theo ngành và trở thành giỏi nhất ở ngành đó”.

Đại học chỉ là cánh cửa, không phải con đường duy nhất

Là một Thủ khoa thuộc thế hệ 8X, song, Hương Lan vốn có suy nghĩ rất thoải mái về quan niệm chọn ngành, chọn nghề. Đối với cô Thủ khoa năm 2011 này, việc học tập trong một môi trường đại học chỉ giúp sinh viên có những kiến thức nền tảng, sau này khi bước ra “trường đời”, mỗi người sẽ phải học nhiều hơn thế.

Đưa tay đẩy nhẹ gọng kính, chị khẽ cười: “Ngày xưa, đúng là học đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng những năm gần đây, quan điểm đó đã không còn đúng. Theo tôi, quan trọng nhất là mình làm được gì khi bước chân ra đời, còn tấm bằng đại học chỉ là tiền đề tri thức”.

Với góc nhìn đó, chị cũng bày tỏ: “Trong suốt 17 năm qua, TP.Hà Nội cũng đã tôn vinh hàng nghìn Thủ khoa, nhưng trong số đó, không phải ai cũng trở thành người xuất sắc nhất. Chặng đường 17 năm không phải là ít, nếu thực sự là những người xuất sắc nhất thì đã có thể gây được “tiếng vang”. Nhưng số đó lại không nhiều...

Ngừng lại một chút, chị Lan tiếp tục chia sẻ câu chuyện của bản thân để minh chứng cho việc, trở thành Thủ khoa đầu ra không có nghĩa phải thành công ở lĩnh vực đó: “Ai đó đã nói với tôi, cứ sau ba năm, lại là thời điểm nên tiếp nhận một công việc mới, để tái tạo sự sáng tạo trong bản thân; trải nghiệm mới sẽ học được những kinh nghiệm... Đối với tôi, khi “làm quen” với một lĩnh vực mới, giống như được trải nghiệm những hành trình riêng, chuyến đi riêng. Những công việc chưa từng trải qua giống như những thử thách mới, khi vượt qua được, sẽ cảm thấy thực sự tuyệt vời!”.

“Khi tôi về nhà hát Chèo Việt Nam, bước chân vào một môi trường mới không liên quan đến ngành học, được giao một mảng hoàn toàn mới chưa bao giờ thử, nên bắt buộc phải tự học, tự tìm tòi để áp dụng. Trong suốt nửa năm đầu tiên, tôi phải xem rất nhiều vở diễn để hiểu hơn về nghệ thuật chèo, để biết nhiều gương mặt nghệ sĩ hơn...

Trước đây, nhà hát Chèo Việt Nam chỉ bán vé theo kiểu truyền thống, nhưng hiện nay, có thể bán vé online, đặt vé, chuyển tiền giữ chỗ hoặc “ship” vé về nhà. Sau những nỗ lực thay đổi, tôi cũng đã góp phần thay đổi diện mạo fanpage và có chút thành quả nho nhỏ. Tháng 8/2018, nhà hát tổ chức biểu diễn vở Quan Âm Thị Kính, nhờ có truyền thông mà buổi biểu diễn đó “đi vào lịch sử” của nhà hát, khán giả xếp hàng như thời bao cấp tem phiếu vào mua vé xem biểu diễn”, không giấu nổi ánh mắt đầy tự hào, chị kể.

Có lẽ vì luôn tràn đầy năng lượng tích cực, mà trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, chị Lan luôn luôn khiến mọi người yêu mến. Chị Lê Ngoan, một người đồng nghiệp của chị cho biết: “Lan là một người đồng nghiệp đáng mến, luôn luôn nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người”.

Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, Hương Lan khẳng định: “Chẳng qua chưa thống kê, chứ theo tôi, trên thực tế, cũng phải có đến hàng chục phần trăm cử nhân sau khi tốt nghiệp lựa chọn làm trái ngành nghề. Và đâu phải, Thủ khoa chỉ thành công, chỉ hạnh phúc khi đi theo ngành mình tốt nghiệp. Tôi có một người bạn học Diễn viên chèo cùng trường, sau khi tốt nghiệp, với khả năng nghiên cứu rất tốt về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bạn ấy trở thành giảng viên giảng dạy bộ môn này. Điều đó chứng tỏ, đại học chỉ là cánh cửa mở ra cơ hội tiếp cận thêm tri thức.

“Mong rằng các bạn sinh viên sẽ không quá nặng nề câu chuyện phải làm đúng ngành học, tất nhiên, nếu cuộc đời mang đến cho bạn những sự lựa chọn suôn sẻ, bạn học đúng ngành, làm đúng nghề, đó là điều hạnh phúc nhất. Nhưng nếu không thể như vậy thì cũng nên vui vẻ tiếp nhận, dù con đường có chông chênh, vất vả hoặc lòng vòng hơn…”, chị Hương Lan chia sẻ.

Cẩm Mịch

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 202

Tin nổi bật