Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả, Công an TP.Hà Nội đàn tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc. Trước đó, phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an TP.Hà Nội đã triệt phá một đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược và thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả quy mô lớn, do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (37 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.
Theo điều tra, Tiến chỉ đạo kế toán Lương Thị Yến lập 17 công ty "bình phong", gồm 6 công ty chuyên nhập khẩu và 11 công ty phân phối hàng trong nước. Ban đầu, nhóm này nhập khẩu thực phẩm chức năng chính hãng từ nước ngoài để hợp thức hóa hoạt động kinh doanh. Sau đó, nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, Tiến chuyển sang sản xuất hàng giả trong nước, nhưng gắn mác hàng nhập ngoại nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Phạm Ngọc Tiến.
Theo lời khai của Phạm Ngọc Tiến, các đối tượng nhập một lượng nhỏ sản phẩm thật từ nước ngoài để tạo lòng tin, đồng thời dùng hồ sơ nhập khẩu này che giấu hoạt động sản xuất hàng giả. Thông tin thêm vụ việc, Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng phòng PC03, cho biết: "Họ chỉ nhập khẩu một phần rất nhỏ, còn 99% là sản xuất trong nước".
Bản thân là dược sỹ nên Tiến tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang và đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế...Các đối tượng vẫn duy trì việc nhập khẩu. Việc nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài chỉ để lấy thương hiệu, đánh vào tâm lý người tiêu dùng và hợp pháp giấy tờ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Để phục vụ sản xuất, Tiến lập xưởng tại thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên) và thành lập Công ty in Âu Việt tại Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) chuyên in màng nhôm ép vỉ. Đáng chú ý, nhiều công nhân tham gia sản xuất thậm chí không biết mình đang làm công việc gì.
Tang vật bị thu giữ.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Đức khai trước đây làm nghề tự do, được người quen giới thiệu đến làm việc tại xưởng. "Nguyên liệu toàn tiếng Anh, tiếng Trung nên tôi không hiểu gì, Tiến giao gì thì làm nấy", Đức nói. Một nhân viên khác trong đường dây là Nguyễn Thành Tâm, cũng cho biết chỉ nhận nguyên liệu dạng bột mà không biết là chất gì.
Thời gian vừa qua, do các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra đối với các sản phẩm là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nên các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất với nhau về việc tẩu tán hàng hóa để tránh bị kiểm tra. Tiến và Nguyệt đã chỉ đạo các nhân viên đưa hàng hóa đi cất giấu tại nhà mẹ đẻ của Nguyệt ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; cất giấu tại nhà mẹ đẻ của Yến và nhà người giúp việc tại Bắc Giang.
Một sản phẩm dành cho phụ nữ có thai do Tiến "tự chế" rồi ghi tiếng nước ngoài.
Ngày 7/5, khi đã thu thập đầy đủ tài liệu và chứng cứ, PC03 đã đồng loạt khám xét khẩn cấp gần 20 địa điểm tại 20 tỉnh, thành trên cả nước, nơi các đối tượng tổ chức sản xuất, gia công, cất giấu và tiêu thụ hàng giả. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả, gồm khoảng 100 mã sản phẩm là thực phẩm chức năng và thiết bị y tế; gần 30.000 hộp, 35.000 lọ, 39.000 vỉ sản phẩm; hàng chục nghìn tem nhãn, thùng vỏ hộp và nhiều máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất. Theo lời khai, đường dây này hoạt động từ năm 2020.
Với công thức tự nghĩ và nguyên liệu trôi nổi, Tiến sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng như bổ gan, xương khớp, canxi... đặc biệt có nhiều sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh, người già và phụ nữ có thai. Các sản phẩm được đưa vào tiêu thụ tại nhiều bệnh viện, hiệu thuốc trên cả nước.
Tất cả các nhãn mác trên sản phẩm này đều được ghi bằng tiếng nước ngoài, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ,..). Ngoài ra còn nhiều điện thoại, máy tính, ổ cứng các loại… Mở rộng xác minh xác định, các công ty của Tiến và Nguyệt đã xuất bán hàng hóa cho hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Phòng PC03 đã tổ chức thu hồi tại nhiều tỉnh thành với nhiều loại mẫu mã sản phẩm khác nhau.
Căn cứ hành vi của các đối tượng, Phòng PC03 đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với các đối tượng: Phạm NgọcTiến, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Hữu Tuấn.
Hiện, phòng PC03, Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ toàn bộ sai phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật.