Liên quan tới vụ tấn công bằng cung tên tại Na Uy, Reuter dẫn thông báo từ cảnh sát cho biết, nghi phạm, danh tính chưa được tiết lộ, là một công dân Đan Mạch sống tại Kongsberg. Người này đã đã bị bắt vào khoảng 19h ngày 13/10 (giờ địa phương) và được áp giải đến thành phố Drammen gần thị trấn.
Cảnh sát Na Uy chưa tiết lộ những cáo buộc mà nghi phạm này sẽ phải đối mặt. song vẫn đưa ra tuyên bố trên nhằm phản bác lại những đồn đoán trên mạng xã hội rằng có nhiều đối tượng liên quan đến vụ thảm sát này. Thủ phạm được cho là đã hành động một mình.
Cảnh sát điều tra ở khu vực xảy ra các vụ tấn công tại Kongsberg, Na Uy, tối 13/10. Ảnh: Reuters.
Phát biểu trước truyền thông sau vụ việc, Oyvind Aas, cảnh sát trưởng Drammen, cho biết nhà chức trách không loại trừ khả năng đây là một vụ tấn công khủng bố. “Từ diễn biến của sự kiện, việc xem xét liệu đây có phải là một hành động khủng bố hay không là điều đương nhiên", ông Oyvind Aas cho hay.
Tuy nhiên, vị cảnh sát còn nói thêm rằng do nghi phạm vẫn chưa bị thẩm vấn, nên còn quá sớm để kết luận động cơ thật sự của đối tượng này là gì.
Kênh TV2 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ kẻ tấn công có tiền sử bệnh tật, nhưng giới hữu trách chưa xác nhận thông tin này.
Trước đó, sĩ quan cảnh sát Oyvind Aas xác nhận 5 nạn nhân đã tử vong trong vụ thảm sát. Hai người bị thương được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, trong đó có một cảnh sát không thuộc ca trực.
Nghi phạm đã di chuyển trên một khu vực rộng lớn, và nhà chức trách đã tiến hành phong tỏa một số khu vực của thị trấn. Cư dân được lệnh ở trong nhà để cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường và thu thập bằng chứng.
Ngay sau vụ tấn công, lãnh đạo cảnh sát quốc gia Na Uy ban hành chỉ đạo yêu cầu các thành viên trên toàn quốc phải mang theo vũ khí. Cảnh sát Na Uy thường không mang theo súng, nhưng khi cần đều được trang bị đầy đủ.
Đây được xem là loạt vụ tấn công tồi tệ nhất ở Na Uy kể từ năm 2011, khi phần tử cực đoan Anders Behring Breivik giết chết 77 người, phần lớn là thanh thiếu niên, ở một trại hè trên đảo Utoeya.
Mộc Miên (Theo CNN)