Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. |
Theo Thống đốc Bình, tới thời điểm ngày 20/9, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã có tổng số khách hàng tiếp cận lên tới 7.823 khách hàng, trong đó có 26 khách hàng doanh nghiệp, còn lại là cá nhân và các hộ gia đình.
Theo đó, đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, hiện đã cam kết cho vay 5.900 tỷ đồng, trong đó giải ngân được 2.300 tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân, gói tín dụng này đã cam kết cho vay được hơn 3.100 tỷ đồnng, giải ngân được khoảng 2.000 tỷ đồng. Tốc độ thực hiện gói tín dụng này trong năm 2014 đã tăng trưởng gấp 3,5 lần so với năm 2013.
Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cho rằng, nên đổi tên gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thành chương trình hỗ trợ cho vay mua nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp thì sẽ hợp lý hơn. Do đó, Thống đốc đề nghị từ nay sẽ không sử dụng từ gói tín dụng mà sẽ đổi thành chương trình để đúng với thực tế cũng như tiêu chí trên.
Trả lời phiên chất vấn, Thống đốc cho biết trong thời gian 3 năm qua, hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều tích cực trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu, đồng thời đảm bảo được hai mục tiêu lớn nhất của Quốc hội là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Thống đốc, các tổ chức tín dụng từ chỗ bất ổn, thị trường ngân hàng đã đi vào ổn định hơn, đảm bảo đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng đang đi đúng lộ trình. Cụ thể, tới nay, hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu, so với con số 464.000 tỷ đồng nợ xấu vào tháng 9/2011, sau 3 năm đã giải quyết được 53,6\% số nợ xấu.
Trả lời đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về câu hỏi vì sao tới nay, số nợ xấu vẫn tăng so với cuối năm 2013, cụ thể tới tháng 7/2014, nợ xấu ở nhóm 5 (nhóm có thể mất vốn) đã tăng lên 4,7\% so với 3,9\% vào tháng 12/2013. Thống đốc cho biết, thông thường nợ xấu có xu hướng tăng vào trong năm và sẽ giảm vào ngày 31/12 hàng năm - thời điểm các ngân hàng đã hạch toán các khoản vay, khoản nợ và tiến hành trích lập quỹ dự phòng.
Một nguyên nhân khác khiến nợ xấu ở nhóm 5 cũng gia tăng, đó là do NHNN đã áp dụng thi hành quyết định số 02 và thông tư số 09 để siết chặt và nâng tầm phần loại nợ chặt chẽ hơn so với thông lệ quốc tế. Điều này cũng là cơ sở khiến số nợ xấu gia tăng.
Về ý kiến đại biểu cho rằng, có hay không việc xử lý nợ xấu thông qua công ty tài chính VAMC là chưa "bắt đúng bệnh", do đó không thể giải quyết dứt điểm nợ xấu. Thống đốc Bình cho biết, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam là đã "bắt đúng bệnh, tìm trúng thuốc". Tuy nhiên, vấn đề là "liều lượng". Quan trọng là sử dụng liều lượng như thế nào phù hợp với "sức khoẻ con bệnh". Nếu dùng liều cao quá thì "con bệnh" chưa chết vì bệnh đã chết vì thuốc. Thống đốc cho biết, nếu sử dụng 10\% GDP thì chỉ ngay ngày mai, vấn đề nợ xấu có thể giải quyết dứt điểm, tuy nhiên chúng ta không có và cũng không thể sử dụng được "liều thuốc" này.
Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, dựa trên con số dự kiến hết năm 2014, công ty tài chính chuyên xử lý nợ xấu VAMC sẽ mua được khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, cộng thêm số 78.000 tỷ đồng trích lập dự phòng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Thống đốc tin tưởng có thể sẽ xử lý được căn cơ nợ xấu.
Về sai phạm và trách nhiệm của Thống đốc trong vụ việc sai phạm của ngân hàng Xây dựng, Thống đốc NHNN cho biết xin chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, sai phạm của ngân hàng Xây dựng không gây ảnh hưởng tới toàn hệ thống ngân hàng nói chung do tài sản đã bị khoá, không gây hậu quả nghiệm trọng.