Tổng thống Erdogan khẳng định việc có quyết định mua hệ thống S-400 hay không là “quyền” của Thổ Nhĩ Kỳ, không ai có quyền yêu cầu nước này từ bỏ thỏa thuận với Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: TASS |
Ngày 8/4, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Moskva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh: "Chúng tôi đã soạn thảo lộ trình và tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400. Những ai kêu gọi chúng tôi từ bỏ hợp đồng vào lúc này rõ ràng không hiểu chúng tôi. Khi chúng tôi đạt thỏa thuận, vấn đề đã xong".
Về phía Nga, Tổng thống Putin cho biết: “Hai nước chúng tôi đang đối mặt với những nhiệm vụ nghiêm túc nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Trước hết, đó là việc thực hiện hợp đồng chuyển hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo Tổng thống Putin, ngoài thương vụ S-400, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nhiều dự án hợp tác quốc phòng triển vọng khác, “liên quan tới việc chuyển các sản phẩm quân sự hiện đại của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định việc hoàn tất hợp đồng S-400 trị giá 2,5 tỷ USD giữa hai nước vẫn là vấn đề ưu tiên trong hợp tác quân sự - kỹ thuật song phương.
Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Erdogan, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng đạt được những thỏa thuận về việc phát triển và sản xuất những “thiết bị quân sự hiện đại, công nghệ cao” trong tương lai.
Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm đáp trả những lời cảnh báo trước đó của Mỹ và các nước NATO về thương vụ S-400. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO cũng trở nên căng thẳng liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận mua S-400 được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký vào tháng 12/2017. Washington chỉ trích Ankara vì mua công nghệ quân sự của Moskva, cho rằng nó có thể không tương thích với vũ khí trang bị của khối NATO.
Hơn nữa, Mỹ cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu đồng thời cả hệ thống S-400 của Nga và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ có thể giúp Moscow tiếp cận công nghệ trên dòng máy bay này và tìm cách khắc chế chúng. Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng tuyên bố dừng bàn giao phụ tùng F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí Washington đưa ra tối hậu thư, buộc Ankara phải lựa chọn giữa việc ở lại NATO và từ bỏ S-400.
S-400 là hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga, có khả năng đánh chặn mục tiêu bay ở khoảng cách lên đến 400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km.
Ngoài ra, hệ thống phóng của S-400 có thể dùng được ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn, cho phép nó bắn hạ nhiều mục tiêu khác nhau. Một sư đoàn S-400 có thể hạ gục 36 mục tiêu cùng lúc.
Mộc Miên (Theo TASS)