Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thiếu người học Toán và “hiểm họa” từ thi Toán trắc nghiệm

(DS&PL) -

Các chuyên gia đầu ngành đã cùng đi tìm lời giải để thu hút sinh viên và trao đổi về “hiểm họa” từ thi Toán trắc nghiệm.

Trước lo ngại của GS. Ngô Bảo Châu về nguy cơ thiếu hụt trầm trọng đầu vào ngành Toán, các chuyên gia đầu ngành đã cùng đi tìm lời giải để thu hút sinh viên và trao đổi về “hiểm họa” từ thi Toán trắc nghiệm.

Người học “xoay lưng”

Tại buổi tọa đàm trao đổi về đào tạo và nghiên cứu Toán học tại Việt Nam được tổ chức chiều ngày 25/9, GS. Ngô Bảo Châu, GS.Vũ Hà Văn cùng một số nhà Toán học hàng đầu Việt Nam đã đề cập đến những vấn đề “nóng hổi” của ngành Toán. Chủ trì tọa đàm, GS. Phùng Hồ Hải - Viện trưởng viện Toán học Việt Nam - đã kết nối những phần thảo luận của các chuyên gia, phác thảo bức tranh toàn cảnh về ngành Toán trong nước ở thời điểm hiện tại.

Trong đó, nội dung được quan tâm nhất chính là mối lo sụt giảm nhân lực ngành Toán và trăn trở lập lại phong trào Toán học từ trong môi trường phổ thông.

Cụ thể, GS. Ngô Bảo Châu - Giám đốc Khoa học (viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) - cho biết, ngoài hỗ trợ, phát triển các nhóm nghiên cứu Toán, Viện rất quan tâm góp phần thúc đẩy phong trào học Toán ở phổ thông và ở đại học. Đây là một nhiệm vụ nặng nề khi một trong những “hiểm họa” vô cùng lớn mà ngành Toán Việt Nam đang phải đối mặt là sự thiếu hụt nghiêm trọng đầu vào, đặc biệt là với khoa Toán các trường đại học ở các địa phương. Sự quan tâm của người học đối với ngành Toán hiện đang suy giảm.

Một trong những hoạt động của viện Toán học Việt Nam.

“Chúng ta cần phải suy nghĩ nhanh chóng, có kế hoạch tổ chức, hoặc có cách nào đó để lập lại phong trào học Toán cho học sinh từ bậc THCS và THPT. Tôi có hai suy nghĩ, một là dấy lại phong trào thi Toán quốc tế, coi đó như lá cờ, để thúc đẩy phong trào thi đua học Toán; hai là xem lại việc dạy và hướng dẫn học sinh THCS, THPT học Toán ứng dụng. Đây là hai mảng nội dung khác nhau, nhưng bổ trợ về lâu dài”, GS. Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định trên, GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học (viện Nghiên cứu dữ liệu lớn của tập đoàn Vingroup) - cũng đánh giá: “Nhìn vào kết quả đào tạo tại các trường đại học trong nước hiện nay, nhận thấy có hiện trạng sinh viên Việt Nam không thích học Toán, đó là “điểm đen” của các trường đại học. Những người thích học và học giỏi toán thường đi du học ở “trời Tây” từ năm nhất, năm hai.

“Theo kinh nghiệm của tôi, để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi mà hầu hết học sinh thắc mắc: “học Toán để làm gì?”. Nhưng giờ chúng ta không trả lời được câu hỏi đó. Trong khi đó, sinh viên giờ đây rất thực tế, các em phải tính toán mỗi năm phải nộp bao nhiêu tiền, rồi nhiều em gia đình nghèo còn phải đi vay để học, nên ra trường là phải lo đi làm ngay để kiếm tiền trả nợ...

Không thể nói đến học Toán để đi thi các cuộc thi quốc tế xa vời; đối với tuyển sinh của một trường đại học, viễn cảnh chỉ để nghiên cứu cũng rất nhỏ với sinh viên, vì rõ ràng không phải ai học xong cũng trở thành nhà nghiên cứu. Một khi không trả lời được câu hỏi này thì làm bất kỳ việc gì cũng không được” - GS. Vũ Hà Văn phân tích.

Thi Toán trắc nghiệm “giết chết” tư duy

Một trong những nội dung được các chuyên gia sôi nổi nhắc đến nhất chính là hiểm họa từ bài thi Toán trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia (năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020) có thể “giết chết” tư duy.

Trao đổi về vấn đề này, GS. Đỗ Đức Thái - Chủ nhiệm khoa Toán (trường đại học Sư phạm Hà Nội) - chia sẻ, mặc dù nguồn tuyển của trường cao nhất cả nước, trong số các trường đào tạo ngành Toán, nhưng chất lượng đào tạo của khoa bị đe dọa do chất lượng tuyển sinh.

Ông lý giải: “Trong khoảng 5 năm trở lại đây, do tác động tiêu cực của tuyển sinh từ thi Toán trắc nghiệm, chất lượng sinh viên của khoa Toán sụt giảm, biểu hiện ở hai khía cạnh. Góc độ đầu tiên, phẩm chất người học Toán, làm Toán, năng lực tư duy, suy luận, tồi hẳn, thể hiện ở kết quả học tập của sinh viên. Chúng tôi có dữ liệu đủ lớn để kết luận năng lực suy luận và tư duy của sinh viên từ K64-K69 (hiện nay) giảm đáng kể so với trước đây.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận bài giảng của sinh viên cũng tồi hẳn. Ở phổ thông, các thầy cô giáo dạy “mẹo” làm trắc nghiệm giúp học sinh “đối phó” với bài thi. Việc dạy lý thuyết Toán một cách căn cơ, bài bản theo đúng chương trình quy định không được như trước đây. Đó là do hình thức thi chi phối đào tạo. Học sinh giữ thói quen học ở phổ thông, vào đại học cũng không biết ghi bài thế nào, khó khăn trong khả năng tự học”.

Không giấu nổi phiền não khi giảng đường đại học là nơi hứng chịu hậu quả từ cách dạy luyện thi trắc nghiệm trong trường phổ thông, TS. Lê Quang Thủy - Viện trưởng viện Toán ứng dụng và Tin học (trường đại học Bách khoa Hà Nội) - chia sẻ: “Vừa rồi, trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra tư duy, bổ sung phương thức xét tuyển đại học. Trong bài kiểm tra tư duy, 75% là Toán, gồm 50% Toán trắc nghiệm và 25% Toán tự luận. Với bài tự luận, mức độ yêu cầu của đề thi rất thấp, chỉ tương đương với trình độ lớp 9. Vậy mà kết quả, có những túi bài thi có trên 50% số bài thi nhận điểm 0 phần tự luận”.

Bên cạnh đó, GS. Đỗ Đức Thái cũng khẳng định vai trò của trường đại học Sư phạm Hà Nội: “Trong cộng đồng Toán học Việt Nam, sư phạm không mạnh trong việc đóng góp “mũi nhọn”, đóng góp phần cao nhất, phần “đỉnh” lên tầm thế giới, nhưng chúng tôi có một nhiệm vụ quan trọng, đó là đào tạo lực lượng nguồn để dạy Toán từ các nhà trường phổ thông. Nếu chất lượng đội ngũ giáo viên tồi đi, thì không đào tạo tốt trong các trường phổ thông, đồng nghĩa với việc sẽ không tìm được nguồn nổi trội để bồi dưỡng, đào tạo thành “mũi nhọn” sau này”.

Giải tán chuyên Toán có lợi hơn duy trì

“Học sinh giỏi thời nay không được như thời tôi, thời anh Châu hay sau đó một chút, do chúng ta đã đổi hướng, đã triển khai không đúng cách bồi dưỡng học sinh giỏi. Bệnh thành tích chi phối đến mức làm biến dạng giáo dục Toán học phổ thông ở các trường chuyên hiện nay. Các em không được giáo dục tử tế nữa. Nếu tình trạng đó tiếp tục thì việc giải tán chuyên Toán có lợi hơn duy trì... Hãy làm như tất cả các nước, chuyển việc tổ chức thi học sinh giỏi về cho hội Toán học, biến nó thành kỳ thi thôi thúc sự hiểu biết, thành khát vọng ham học, vươn lên trong học Toán, chứ không phải vì một mục đích nào khác”.

C.M

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ hai (số 155)

Tin nổi bật