Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thi THPT Quốc gia 2020-"Kịch bản" nào cho tình huống xấu nhất?

(DS&PL) -

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bộ GD&ĐT cần chủ động, nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT Quốc gia phù hợp với tình hình thực tiễn năm nay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bộ GD&ĐT cần chủ động, nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT Quốc gia phù hợp với tình hình thực tiễn năm nay.

Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng trong tình huống xấu nhất, có thể không thi THPT quốc gia.

Giảm tải chương trình học

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT Quốc gia năm nay; bên cạnh yêu cầu đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội) đã gửi thư kiến nghị tới Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đề nghị chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thầy Khang cũng cho rằng, nội dung đề thi cần có những điều chỉnh phù hợp, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng đề thi trong năm học đặc biệt này.

Đại diện bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019, tinh giản nội dung và sớm công bố đề minh hoạ để học sinh cả nước chuẩn bị cho kỳ thi. Ngày cuối tháng Ba, bộ GD&ĐT đã công bố chi tiết nội dung kiến thức tinh giản trong học kỳ II đối với bậc phổ thông. Căn cứ theo đó, nhà trường và học sinh nắm được nội dung kiến thức được giảm tải so với kỳ thi THPT Quốc gia của các năm trước để có định hướng ôn tập hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đại diện bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm, Bộ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh, và theo chỉ đạo của ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Đề xuất có thể dùng phương án xét tốt nghiệp

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nhận định: "Căn cứ vào tình hình thực tiễn, diễn biến dịch Covid-19 khó ai có thể lường trước được, vì vậy, tôi tin tưởng, bộ GD&ĐT cũng đã chủ động thực thi những kế hoạch, sẵn sàng những phương án, sẵn sàng những "kịch bản" ứng phó khác nhau".

"Đến thời điểm hiện tại, bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lùi thời gian kết thúc năm học, lùi thời điểm thi THPT Quốc gia, đồng thời, nội dung kiến thức học kỳ II cũng đã được tinh giản rất nhiều, đó là lợi thế rất lớn đối với học trò. Chúng ta có thể đặt giả thuyết, nếu học sinh tiếp tục phải nghỉ học, có thể kéo dài đến hết tháng Năm hoặc tháng Sáu, thì sẽ phải làm thế nào? Theo quan điểm của tôi, bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lùi kỳ thi một cách linh hoạt, căn cứ tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện bỏ bớt môn thi hoặc tiếp tục giảm tải các nội dung kiến thức, bởi, hiện tại, nội dung đã được tinh giản "kịch khung"...", giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu phân tích.

Tuy nhiên, thầy Hiếu cũng cho rằng: "Trong bối cảnh hiện nay, chưa ai có thể khẳng định được thời điểm kết thúc dịch bệnh. Chính vì vậy, đồng hành với Chính phủ thông qua những chỉ đạo quyết liệt, những chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn, bộ GD&ĐT cũng cần có "kịch bản" cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, có thể không tổ chức kỳ thi mà có thể sử dụng hình thức xét tốt nghiệp.

Về vấn đề này, luật sư Hoàng Việt Hùng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, để có thể xét tốt nghiệp theo ý kiến đề xuất, cần có những văn bản cụ thể hóa hình thức, tiêu chí, làm cơ sở, căn cứ cho các địa phương áp dụng. Không ai mong muốn tình huống bất khả kháng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, song đây là thực tế khách quan, cái cần là những văn bản hóa và có hướng dẫn cụ thể để có thể áp dụng minh bạch, công bằng nếu thực thi.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho rằng: "Với tình hình nghỉ học như hiện nay, sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch kỳ thi THPT Quốc gia, cũng không cần phải tính phương án "dạy dồn, dạy ép" kiến thức. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hướng dẫn tinh giản nội dung kiến thức, giảm áp lực cho học sinh nên theo tôi, kỳ thi THPT Quốc gia được dự tính tổ chức vào tháng Tám là phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu học sinh tiếp tục phải nghỉ học đến tháng Sáu, tháng Bảy thì cũng phải cân nhắc, tính toán lại".

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT nêu quan điểm: "Bộ GD&ĐT cần chủ động xây dựng các phương án dự trữ, có thể chưa cần công bố, nhưng đứng trước thời điểm cần thiết, phải có sự thay đổi tương ứng. Mọi việc đều "dĩ bất biến ứng vạn biến", khi cần thiết, cần có sự linh động, không bảo thủ thì sẽ thành công. Đôi khi, có thể khiến "trong cái khó ló cái khôn", biết đâu đây lại là cơ hội tốt để thay đổi tư duy".

Giám đốc sở GD&ĐT tại một địa phương khác lại cho rằng: "Kỳ thi THPT Quốc gia nếu được tổ chức vào tháng Tám thì chưa thực sự phù hợp, bởi nhiều vùng khó khăn có thể sẽ chưa "bắt kịp" với kiến thức giảng dạy ở địa phương khác. Theo tôi, nếu cần thiết, cứ tiếp tục lùi kỳ thi THPT Quốc gia, sau đó, lùi thời điểm bắt đầu năm học mới, không nhất thiết phải vào “ thời điểm cố định nào".

Công Luân – Thuỷ Tiên
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Kỳ 1 số 4 (56)

Tin nổi bật