Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thí sinh cuống lên chọn trường, chọn ngành: Chuyên gia đưa ra lời khuyên

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Kỳ thi THPT 2024 đã gần kề, rất nhiều trường đã rục rịch tuyển sinh đại học, tuy nhiên nhiều thí sinh vẫn chưa biết chọn ngành nào, trường nào thì phù hợp.

Thí sinh băn khoăn nên chọn ngành nào, trường nào

Chia sẻ trên báo Giao Thông, em Nguyễn Thanh An (trú tại Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, bản thân An ước mơ được bước chân vào cánh cửa trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. An cũng chia sẻ, em thích ngành Đông Phương học, tuy nhiên năm nào ngành này điểm cũng rất cao nên có thể em sẽ đặt nguyện vọng vào những ngành khác có đầu vào thấp hơn, miễn sao được trở thành sinh viên của ngôi trường này.

Tương tự, em Hồ Hoài An (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) hi vọng mình có cơ hội học tập tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp dù ở khoa đào tạo nào cũng được. 

"Em tham khảo cũng có một số trường khác có ngành đào tạo tương đương, có thể điểm đầu vào thấp hơn nhưng em chưa biết có nên lựa chọn không", An băn khoăn.

Thí sinh hoang mang không biết nên chọn trường yêu thích hay ngành yêu thích. Ảnh minh họa 

Nên chọn ngành trước, chọn trường sau

Đến thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn lúng túng trong việc chọn ngành, chọn trường hay chọn phương thức tuyển sinh đại học năm 2024.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đưa ra lời khuyên: Trước hết, các thí sinh cần cân nhắc để lựa chọn ngành học, sau đó xem những trường đại học, cơ sở đào tạo nào có uy tín, so sánh giữa các trường (dựa trên thông tin về môi trường, đội ngũ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ, phòng thí nghiệm hỗ trợ việc đào tạo, mạng lưới doanh nghiệp…) để chọn nguyện vọng phù hợp nhất. 

Ngành học cần được chọn dựa trên sự đam mê, yêu thích cùng năng lực, sở trường của mình và các em sẽ theo đuổi nghề đó trong suốt giai đoạn dài sau này. Không nên chỉ vì thích một trường mà lựa chọn tất cả ngành học trong trường đó, để nhất định đỗ được trường đó. Quan điểm này có thể dẫn đến những nuối tiếc sau này.

Sắp xếp nguyện vọng thông minh để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

Chia sẻ trên báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá, một số thí sinh đặt quá ít nguyện vọng hay dồn nguyện vọng vào một nhóm trường top cao. Cách làm này dẫn tới rủi ro rất lớn, có thể khiến các em không thể trúng tuyển đại học. Một số thí sinh khác lại đặt quá nhiều nguyện vọng.

“Các em không cần đặt đến hàng trăm nguyện vọng để có thể trúng tuyển. Thay vào đó nên chia nguyện vọng ra các trường ở mỗi vị trí khác nhau. Hiểu được sức học của mình, nắm rõ đề án tuyển sinh của các trường, thí sinh không cần đặt quá nhiều nguyện vọng dẫn tới tốn kém, lãng phí” - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định.

Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là những nguyện vọng mà điểm chuẩn năm trước cao hơn khoảng 1 - 1,5 điểm so với mức điểm thực tế mà các em đã thi đạt.

Nhóm thứ hai là những nguyện vọng mà điểm chuẩn năm ngoái có thể tăng hoặc giảm 0,5 điểm so với mức điểm em đang có. Đây là những nhóm ngành có cơ hội trúng tuyển tương đối cao.

Nhóm thứ ba là những ngành thấp hơn so với điểm xét tuyển của em khoảng 1,5 - 2 điểm - những nguyện vọng mà độ an toàn, độ chắc chắn sẽ cao hơn.

Tất nhiên, dù xếp ở nhóm nào, đó đều phải là những ngành mà các em cảm thấy thoải mái nếu trúng tuyển, tránh tình trạng thí sinh bằng mọi giá để đỗ, đến khi đỗ rồi lại hụt hẫng, không muốn đi học thì không nên.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật