Theo Tạp chí Tri Thức, ngày 9/10, tạp chí giáo dục Times Higher Education (THE) công bố xếp hạng đại học thế giới năm 2025. Năm nay, Việt Nam có 9 trường được xếp hạng, tăng 3 trường so với xếp hạng 2024 và nhiều cái tên mới đạt được thứ hạng bất ngờ.
Đại học Kinh tế TP.HCM gây chú ý khi xuất hiện trong xếp hạng 2025 và đạt được vị trí cao nhất trong số 10 trường của Việt Nam, cụ thể là đứng ở vị trí 501-600 với tổng điểm đánh giá 43,3-45,9.
Đại học Kinh tế TP.HCM gây chú ý khi xuất hiện trong xếp hạng 2025 và đạt được vị trí cao nhất trong số 10 trường của Việt Nam. Ảnh minh họa
Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng - 2 cái tên của quen thuộc luôn dẫn đầu các trường Việt Nam trên xếp hạng - nay lùi về sau, nhưng vẫn giữ nguyên thứ hạng 601-800.
Hai cái tên khác mới góp mặt trong danh sách của THE năm 2025 là Đại học Y Hà Nội (hạng 801-1.000) và Đại học Mở TP.HCM (hạng 1.201-1.500). Trong xếp hạng 2024, Đại học Mở TP.HCM từng xuất hiện nhưng ở trạng thái "reporter" (các trường đã báo cáo). Nghĩa là trường này cung cấp đủ dữ liệu cho THE nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện để được xếp hạng.
Các trường còn lại được xếp hạng như sau: Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 1.201-1.000), Đại học Bách khoa Hà Nội (hạng 1.501+), Đại học Huế (hạng 1.501+), Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 1.501+). Đại học Văn Lang cũng xuất hiện ở trạng thái "reporter".
Đại học Oxford của Anh vẫn giữ vị trí số một trong 9 năm liên tiếp, phá vỡ kỷ lục 8 năm liên tiếp của Đại học Harvard trước đây. Giữ vị trí đầu bảng, các điểm đánh giá của Oxford vẫn tiếp tục được cải thiện đáng kể nhờ một số chỉ số liên quan thu nhập, chất lượng nghiên cứu và chất lượng giảng dạy. Tỷ lệ sinh viên quốc tế cũng là điểm giúp trường trở nên nổi bật hơn.
Tại Mỹ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hiện là trường được xếp hạng cao nhất của nước này và đứng ở vị trí thứ 2 với 98,1 tổng điểm đánh giá, chỉ thua Oxford 0,4 điểm.
Đại học Stanford bất ngờ rơi từ vị trí số 2 xuống vị trí số 6. Đây là thứ hạng thấp nhất của trường kể từ năm 2010 do chỉ số về chất lượng giảng dạy, môi trường nghiên cứu và triển vọng quốc tế đều giảm.
Đại học Harvard tăng từ vị trí số 4 lên số 3 và Đại học Princeton cũng vươn từ hạng 6 lên hạng 4.
THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng, bên cạnh QS và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU). Bảng xếp hạng 2025 của QS đã được công bố hồi tháng 6, với 6 trường của Việt Nam, trong khi không đại diện nào trong bảng của ARWU.
Bảng xếp hạng của THE năm nay lấy dữ liệu từ 2.000 cơ sở giáo dục đại học, ở 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. THE cho biết có 18 tiêu chí đánh giá, chia thành 5 nhóm, gồm: Giảng dạy (Teaching), Môi trường nghiên cứu (Research Environment), Chất lượng nghiên cứu (Research Quality), Chuyển giao công nghệ (Industry), Mức độ quốc tế hóa (International Outlook). Mỗi nhóm tiêu chí chiếm 4-30% trọng số, nhiều nhất ở khía cạnh chất lượng nghiên cứu, thông tin trên tạp chí Thương hiệu và Công luận.