Đăng kiểm là một trong những quy định bắt buộc để một chiếc ô tô đủ điều kiện lưu hành ở Việt Nam. Việc đăng kiểm nhằm đảm bảo chất lượng xe về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi lưu thông.
Theo khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, Nghị định 166/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các trường hợp ô tô bị cảnh báo đăng kiểm bao gồm:
- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Phương tiện vi phạm nhưng chưa nộp phạt sẽ bị từ chối kiểm định.
- Làm giả tài liệu phương tiện: Nếu phát hiện giấy tờ giả mạo, cơ sở đăng kiểm sẽ cảnh báo và thông báo cho cơ quan công an địa phương để xử lý.
- Sai khác giữa chứng nhận đăng ký và thực tế phương tiện: Các trường hợp như màu sơn khác so với đăng ký, thay đổi cấu trúc xe mà không cập nhật sẽ bị cảnh báo.
- Chưa đổi chứng nhận đăng ký sau khi cải tạo: Xe đã cải tạo nhưng chưa cập nhật chứng nhận đăng ký mới sẽ bị từ chối kiểm định.
- Giấy chứng nhận kiểm định hoặc tem kiểm định bị mất hoặc thu hồi: Phương tiện trong trường hợp này sẽ bị cảnh báo trên hệ thống.
Thông thường, trong trường hợp ô tô đi đăng kiểm nhưng logo hãng xe bị thay đổi sẽ được yêu cầu phải thay lại đúng logo hãng hoặc tháo ra, chấp nhận xe không có logo. Ví dụ như xe Toyota nhưng gắn logo Mercedes-Benz cũng sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Còn nếu như không có logo thì có thể coi như trong quá trình sử dụng bị rơi hoặc cậy mất. Bởi nếu như xe hãng A thay logo hãng B thì nhãn hiệu không đúng, sai so với nhãn hiệu được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được cấp (đối với xe đã từng kiểm định) hoặc sai kiểu loại.