Những ngày mưa phủ trắng trời Hà Tĩnh, giữa mênh mông biển nước, vẫn có những trái tim ấm nóng miệt mài gieo niềm tin cho bà con đang bị mắc kẹt.
Thầy Hiệp trao tận tay những suất cơm cho bà con. |
Điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng
Nhìn cảnh mưa giăng trắng xóa, nhiều nơi nước ngập mênh mông, xe cộ không thể lưu thông, thầy Nguyễn Quốc Hiệp (sinh năm 1975) - hiện biên chế tại trường tiểu học Mỹ Lộc, giáo viên biệt phái, Phó Giám đốc trung tâm Học tập cộng 2 xã Quang Lộc và Mỹ Lộc (Can Lộc) - đã không thể kìm lòng, ngay lập tức tổ chức các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ.
Là người đã hơn 15 năm đau đáu với nỗi đau của người nghèo, đã nhiều năm lăn lộn cứu trợ bà con vùng lũ, thầy giáo Nguyễn Quốc Hiệp dường như thấu hiểu được bà con nơi đây đang thực sự cần gì.
“Khi toàn huyện Cẩm Xuyên bị chìm trong nước lũ, tôi nghĩ ngay đến chuyện bà con phải chịu đói. Đói, bởi người dân Cẩm Xuyên chưa bao giờ chịu cảnh lũ như vậy nên không quen việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước ngọt dự trữ.
Mà đây lại là vùng đồng bằng, đã “lụt là lút cả làng” nên việc tương trợ nhau là rất hãn hữu, phương tiện thuyền bè trong dân rất ít.
Vì vậy, điều đầu tiên tôi tiên lượng là việc bà con sẽ đói và bắt tay ngay viết bài kêu gọi nấu cơm cho bà con, khi hầu như chưa ai làm điều này.
Nghĩ là làm, mặc dù trong tay chưa có bất kỳ một đồng xu nào nhưng tôi tin chắc là sẽ có nhiều người ủng hộ. Việc bà con đói không thể chần chừ suy tính, phải nghĩ ngay đến cùng lúc nấu hàng nghìn suất ăn. Lúc đó, tôi nghĩ đến các bếp ăn bán trú của các trường tiểu học, trường mầm non trên địa bàn huyện Can Lộc, rồi hội Phụ nữ xã Mỹ Lộc đã từng nấu cơm cho công dân cách ly Covid-19 cả tháng trời... Trước mắt, tôi vận động một số nhà hàng bỏ tiền ra mua lương thực, thực phẩm để nấu khoảng 1.000 suất. Sau đó, không nằm ngoài dự tính, tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các trường học trên địa bàn” – người thầy nhớ lại chặng đường tìm thấy những người “đồng đội” đầu tiên của mình.
Khó khăn nhất đối với hoạt động này không phải là việc nấu ăn, không phải là việc vận chuyển vào tâm lũ vì có hàng loạt lái xe ben gầm cao xung phong chở cơm vào, mà chính là việc đưa cơm đến tận tay người dân. Thầy đã nhờ đến sự giúp đỡ của hội Chữ thập đỏ Can Lộc và Cẩm Xuyên, những tình nguyện viên đã nhanh chóng kết nối và đưa cơm đến tận tay cho bà con trong khu vực.
Cứ như vậy, thầy Hiệp cùng các thầy cô giáo, các nhà hảo tâm đã tổ chức nấu cơm, nấu bánh chưng, quyên góp các nhu yếu phẩm, rồi dùng thuyền chở đi phát cho lần lượt bà con đang co ro, cầm cự trên các nóc nhà thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà... do nước lũ lên quá nhanh không kịp sơ tán.
“Ngày đầu, chúng tôi chỉ việc đưa cơm vào dọc Quốc lộ 1A là có thuyền của các xã nhận cơm về kịp thời cứu đói cho bà con. Những ngày sau, khi đã có thể lội được hoặc có thuyền, chúng tôi vào tận từng gia đình để tiếp tế, phần là để thăm dò, xem bà con cần gì những vào ngày tiếp theo, phần để lan tỏa đến cộng đồng. Những hình ảnh ấy không ngờ đã lay thức, ngay ngày hôm sau đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tổ chức, cá nhân nấu cơm, làm xôi, gói bánh với hàng vạn suất ăn mỗi ngày. Người dân vùng lũ không còn ai phải chịu đói. Đó là một điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng” - người đàn ông 45 tuổi bày tỏ.
Mạo hiểm dầm mình trong nước lũ
Nhắc đến những hành động ý nghĩa của thầy Nguyễn Quốc Hiệp, có lẽ ai cũng phải tấm tắc, ngưỡng mộ một trái tim ấm nồng. Thế nhưng ít ai biết, người đàn ông ấy đang gồng mình đầy mạo hiểm trước sức khỏe của bản thân.
Nhiều người là đồng nghiệp, bạn bè, học trò hết sức lo lắng cho sức khỏe của thầy, bởi ông bị bệnh nặng, mới đặt 2 sten động mạch vành sau cơn nhồi máu cơ tim và di chứng của tai nạn, chân mặt mũi, tụ máu não nhiều chỗ tự tan, tắc động mạch vành đến 99% chưa lâu. Nhiều người còn gọi điện, nhắn tin đề nghị ông lưu ý giữ sức khỏe, vì có thể đột quỵ bất cứ lúc nào. Các bác sĩ cũng khuyến cáo ông đặc biệt lưu ý tránh các hoạt động quá sức.
Ông thủ thỉ: “Việc tôi dầm mình trong nước lũ, bươn chải, đội mưa đội gió thật ra là một điều mạo hiểm. Không một bác sĩ nào cho phép, gia đình, người thân, ai cũng lo sợ bởi họ biết tôi đã 2 lần sống sót hi hữu. Nhưng... không hiểu sao, khi đưa được những suất cơm ấy vào với bà con, đêm về tôi thấy mình khỏe ra, ngủ ngon và tràn đầy năng lượng. Gia đình cũng yên tâm hơn vì điều đó. Nói vậy, chứ lúc vào tâm lũ, tôi luôn chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc phòng thân và căn dặn những người đi cùng cách xử lý khi tôi gặp phải sự cố về tim mạch. Có lẽ chính sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng, đặc biệt là niềm vui vô bờ bến của người dân vùng lũ đã tiếp thêm sức mạnh kỳ diệu cho tôi. Đó cũng là điều không tưởng của bản thân. Chưa bao giờ tôi lý giải được vì sao mình lại có thể làm được điều đó”.
“Khi có hàng nghìn đoàn cứu trợ chung tay, bà con không còn lo cái ăn, cái mặc, nhưng hình ảnh hàng trăm hộ dân nơi đây bị trôi mất trâu bò, lợn gà, vốn là tài sản lớn, khiến tôi trăn trở. Hiện, tôi đã được các nhà hảo tâm ủng hộ đủ để có thể mua 10 con bê cái và khoảng 30 lợn con giống để giúp những hộ thiệt hại nặng, có con đang đi học. Đó sẽ là những “con bê khuyến học sau lũ”.
Mặt khác, tôi cùng nhóm Đồng Tâm - Quảng Ninh đã lên kế hoạch, chuẩn bị tiền, hàng để trong những ngày tới vào cứu trợ xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) nơi có 18 bản dân tộc thiểu số mà sau 2 tuần ô tô vẫn chưa vào được. Chúng tôi đang tích cực kêu gọi ủng hộ các nạn nhân ở Trà Leng (Bắc Trà My, Quảng Nam), hiện đang là thảm cảnh sau cơn bão số 9” - ông tiết lộ những dự định sắp tới.
Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3(176)