Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến rất gần, bên cạnh những món quà tri ân các thầy cô giáo của học trò là những câu chuyện, những kỉ niệm của các thầy cô trong suốt những năm đứng trên bục giảng.
Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật có dịp được nghe câu chuyện vừa xúc động và cũng cảm phục những người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu ở vùng cao, đó là câu chuyện về ngôn ngữ của trẻ em vùng cao từ thầy giáo trẻ 8X Nguyễn Văn Hiệu.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Hiệu trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC. |
Thầy giáo Nguyễn Văn Hiệu, sinh năm 1989, đứng trên bục giảng được hơn 4 năm và hiện là thầy giáo dạy lớp 3 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Tả Thàng, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Lần đầu tiên đứng trên bục giảng có lẽ là kỉ niệm khó quên nhất đối với thầy giáo trẻ Văn Hiệu. Cứ mỗi khi nhắc lại kỉ niệm đó, thầy giáo trẻ lại lâng lâng cảm xúc: “Hơn bốn năm về trước, cũng tại ngôi trường Tiểu học Tả Thàng, lần đầu tiên đứng trên bục giảng dạy các em học sinh lớp 1. Lúc đó lớp có 16 em, bàn thì cao hơn người các em, lớp học thì bị dột. Sau khi viết xong chữ lên bảng, mình quay xuống hỏi các em thì các em “Chi Pâu” (Tức dịch sang tiếng phổ thông là không biết), mình hỏi gì các em cũng không biết và không hiểu những gì mình nói và ngược lại mình cũng vậy.
Lúc đó mình chỉ biết “đứng hình” trên bục giảng, không biết phải làm thế nào, đó là buổi dạy học đầu tiên không thành công mà mình nhớ nhất cho đến tận bây giờ”.
Nói về những khó khăn mà thầy và trò đang cùng nhau cố gắng khắc phục, thầy giáo trẻ 8X tâm sự: “Khó khăn thì nhiều lắm, vì ở trên này đa số các em là người dân tộc H’mông nên giao tiếp còn khó khăn, các em học lớp 1 thì chỉ hiểu được một số từ cơ bản trong sách còn giao tiếp là không thể. Các em lớn hơn như học lớp 3 thì có thể giao tiếp được khoảng 30\% bằng tiếng phổ thông.
Chính vì học sinh còn kém về ngôn ngữ phổ thông nên giáo viên phải dùng rất nhiều kĩ năng trong giao tiếp giảng dạy.
Thầy Nguyễn Văn Hiệu miệt mài nghiên cứu bài giảng sao cho các em học sinh có thể dễ hiểu nhất trong những giờ lên lớp. Ảnh: NVCC. |
Một khó khăn nữa cả thầy và trò gặp phải đó chính là nguồn nước, mùa đông, nước nguồn chảy về rất ít nên giáo viên phải trực lấy nước về cho các em sinh hoạt gồm 260 học sinh và 33 giáo viên ở trường.
Các thầy cô sáng và chiều lên lớp, đến tối trực bán trú cho học sinh học. Có hôm leo lên đồi lấy nước sinh hoạt cho các em vì sương mù nhiều quá nên 2 thầy giáo bị lạc trên đồi một tiếng không tìm được đường về trường. Ngoài ra phòng học chưa đủ, các em học ở ngôi nhà gỗ, thầy và trò ướt, lạnh trong thời tiết 9 đến 10 độ.
Nhìn các em học sinh co ro trong mùa đông, có em chỉ có một manh áo và chiếc quần mặc cả tuần cùng đôi dép đã rách, hầu như ngày nào sương mù cũng dày đặc nên tới trường là các em ướt hết, ngồi học lạnh run, môi thâm… Nghĩ đến mà thương các em”, nói đến đây thầy giáo trẻ im lặng hồi lâu.
Thầy giáo trẻ 8X trải lòng mình với những câu chuyện trong suốt hơn 4 năm dạy các em học sinh tại ngôi trường Tả Thàng. Ảnh: NVCC. |
Thầy Hiệu cũng chia sẻ thêm, “Cách đây 2 năm hầu hết các em học sinh nhà nào khá giả có cơm trắng, còn bình thường là mang mèn mén ăn trưa để chiều vào học tiếp. Nhìn các em buổi chiều đói không học được mà thương. Nhưng 2 năm trở lại đây, chương trình từ thiện cơm có thịt đã đến với Tả Thàng, các em được ăn cơm có thịt do chính các thầy cô trong trường thay phiên nhau nấu cho các em. Từ khi có “Cơm có thịt” các em yêu trường, yêu lớp hơn và không bỏ học nữa”.
Bữa ăn của các em học sinh nơi đây. Ảnh: NVCC. |
Khi được hỏi có bao giờ thầy muốn rời xa nơi này thầy mỉm cười và nói rằng “Thật ra cũng có lúc muốn chuyển về gần nhà cho tiện đi lại, ăn uống nhưng nghĩ đến các em học sinh ở đây thì lại không nỡ đi một chút nào”.
Chưa một lần được nhận quà 20/11 do các em nơi đây tặng (bởi các em không biết tặng quà cho ngày đó) nhưng bởi tình yêu đặc biệt với trẻ em vùng cao mà thầy giáo trẻ 8X Nguyễn Văn Hiệu đã gắn bó với nơi này được hơn bốn năm và có lẽ thời gian đó sẽ tiếp tục được nhân lên theo năm tháng.
Cách trung tâm thành phố Lào Cai gần 100km, điểm trường Tả Thàng là một trong những điểm trường xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện nghèo biên giới Mường Khương. Để đến Tả Thàng chỉ có duy nhất con đường độc đạo len lỏi trên triền núi. Hàng năm, nơi đây phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt của mưa đá, lũ ống, lũ quét và rét buốt mỗi mùa đông. |