Với tình huống ở trên một chuyên gia về Luật Đầu tư cho biết:
Đối với việc này cần xác định rằng có 02 hoạt động độc lập và 02 hệ quy định độc lập điều chỉnh: Thứ nhất, việc đấu giá tài sản căn cứ theo Luật Đấu giá tài sản. Thứ 2, việc phê duyệt dự án đầu tư cần căn cứ theo Luật Đầu tư.
Dang dở dự án lắp ráp ô tô tại Thanh Hoá sau gần 2 năm triển khai
Cụ thể về việc đấu giá tài sản:
- Trong tình huống này, cần thiết xem xét lại phương án đấu giá. Nếu tài sản đấu giá được xác định là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì kết quả đấu giá (quyền tài sản mà Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu nhận được) chỉ là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Để thực hiện và triển khai dự án, Công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu phải thực hiện thủ tục đề nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo Luật đầu tư.
- Trường hợp tài sản đấu giá được xác định là dự án đầu tư thì kết quả đấu giá (quyền tài sản mà Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu nhận được) được xác định là quyền triển khai dự án (theo đúng hồ sơ pháp lý dự án đã được phê duyệt và đang có hiệu lực) và các tài sản hình thành từ dự án.
Về thủ tục phê duyệt dự án:
- Trường hợp Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu chỉ có quyền sử dụng đất và quyền tài sản trên đất: để thực hiện dự án đầu tư, Giải trí nghe nhìn Toàn cầu phải thực hiện thủ tục đề nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (theo Điểm a Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư). Thủ tục và việc đánh giá năng lực của công ty được thực hiện theo Điều 32, 33, 36 Luật Đầu tư
Tuy nhiên trên thực tế Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu chỉ trúng đấu giá tài sản trên đất nếu đối chiếu với pháp luật hiện hành thì việc thực hiện dự án cần phải thực hiện đúng và đủ theo Luật Đầu Tư.
Để có góc nhìn rõ nét hơn về tính pháp lý cũng như việc chấp hành pháp luật của UBND tỉnh Thanh Hoá liên quan đến việc giao đất cho Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu tiếp tục thực hiện dự án Cụm nhà máy lắp ráp ô tô PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Trần Thị Loan - Công ty Luật Chí Công & Thiện Tâm - Đoàn Luật sư TP HN.
Luật sư Trần Thị Loan - Công ty Luật Chí Công & Thiện Tâm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
PV: Xin chào Luật sư, việc Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án trên cơ sở trúng đấu giá tài sản kê biên, không thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư (theo trả lời của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá - PV) có đầy đủ với quy định của pháp luật ?
LS: "Trường hợp Công ty Nghe nhìn Toàn Cầu này (Công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu) trúng đấu giá với tài sản theo thủ tục của thi hành án dân sự, được chấp thuận làm chủ đầu tư mới trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án. Theo quan điểm của tôi là chưa phù hợp.
Bởi vì đây là 2 thủ tục hoàn toàn khác nhau. Đối với thủ tục để trúng đấu giá trong quá trình thi hành án dân sự với vụ khởi kiện, yêu cầu phát mại tài sản với ngân hàng, yêu cầu với đơn vị tham gia đấu giá chỉ có yêu cầu về năng lực tài chính. Tuy nhiên, xét theo năng lực của một chủ đầu tư với một dự án, thì sẽ có các yêu cầu phải thực hiện theo thủ tục của Luật Đầu tư và theo quy định tại Điều 30 Nghị định 31 năm 2021 hướng dẫn về Luật Đầu tư. Tại trường hợp này, khi thực hiện đồng nhất hai thủ tục này với nhau có thể sẽ tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện dự án".
PV: Việc xác định, đánh giá năng lực tài chính để thực hiện dự án của Công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thẩm định căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013 (theo trả lời của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá - PV) có hợp lý không?
LS: "Theo tôi, đối với trường hợp thẩm định năng lực đơn vị đầu tư mới theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai thì phù hợp tuy nhiên lại chưa đủ. Ngoài việc thẩm định năng lực theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai sẽ phải áp dụng quy định của luật chuyên ngành, đó là Luật Đầu tư để thẩm định về năng lực của đơn vị tiến hành thực hiện dự án này".
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá khẳng định dự án này không cần thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư
PV: Theo quy định thì việc thẩm tra, đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp gồm các bước nào sẽ đảm bảo tuân thủ pháp luật và tính khả thi của dự án?
LS: "Đối với trường hợp thẩm tra năng lực của một đơn vị làm chủ đầu tư, như tôi đã nói cần phải thực hiện theo các quy định của luật chuyên ngành điều chỉnh. Đối với trường hợp này đó là Luật Đầu tư. Vấn đề đánh giá năng lực sẽ thực hiện qua nhiều bước, trong đó ngoài năng lực về kinh tế, tài chính phải thẩm tra năng lực liên quan đến hoạt động của công ty, năng lực trong toàn bộ quá trình mà công ty này thực hiện, gồm kinh nghiệm, việc quản lý công ty đưa ra,.. mới có thể đảm bảo được quy trình, quy định pháp luật để mang lại sự chắc chắn nhất cho trường hợp dự án sẽ được thực hiện mà không vướng vào những rủi ro sau này".
Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu từng đặt trụ sở tại phường Xuân Đỉnh, TP Hà Nội
PV: Với tình huống trên, việc Công ty cổ phần Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho thuê đất và là chủ đầu tư của dự án, luật sư thấy việc này có bất thường hay không và ý kiến cá nhân của luật sư như thế nào ?
LS: "Để đánh giá sự bất thường trong việc UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho đơn vị này trở thành chủ đầu tư sẽ cần xem xét toàn bộ hồ sơ, quá trình. Tuy nhiên, tôi cho rằng trường hợp này cũng cần các cơ quan chức năng vào cuộc để xem xét và đánh giá hồ sơ một cách thực tế, toàn diện. Qua đó mới có thể xác định được những bất cập và có sai phạm gì trong quy trình thực hiện hay không. Nếu như phát hiện ra sai phạm cần phải xử lý để đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, không chỉ riêng đối với địa bàn tỉnh Thanh Hóa mà còn các địa bàn tỉnh khác".
PV: Cảm ơn luật sư đã dành thời gian.
Dư luận bất ngờ với năng lực của Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu và càng bất ngờ hơn với trả lời của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá
Quay trở lại việc triển khai dự án của Công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu tại huyện Hậu Lộc, trò chuyện với một số người dân gần dự án được biết, khi nghe tin dự án tái khởi động họ rất vui mừng và mong dự án sớm đi vào hoạt động để phát triển địa phương giúp con em có việc làm. Tuy nhiên, thấy chủ đầu tư không có động thái thi công, người dân cũng chỉ biết đợi chờ. Chính việc rầm rộ khởi công xong lại… để đấy khiến người dân băn khoăn về năng lực của chủ đầu tư. Họ cho rằng việc đơn vị mua lại tài sản phát mại có mục đích khác chứ không hẳn để triển khai dự án ô tô.
Khi được hỏi về tin đồn chủ đầu tư khai thác đất vận chuyển đi nơi khác, người dân cho biết chủ đầu tư sau khi khởi công có đào bới trên đỉnh đồi nhưng không biết đơn vị này vận chuyển đi đâu.
Người dân cũng tỏ ra tiếc nuối vì thông tin có một doanh nghiệp Hàn Quốc về xin đầu tư nhưng không được đồng ý với lý do dự án chồng dự án.
Để làm rõ những thông tin trên phóng viên đã liên hệ và gửi một số nội dung làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa phản hồi.