Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thanh Hoá - “Lời thì thầm” của dự án gần 7000 tỷ: (Bài 2) Bất ngờ với tiềm lực của công ty “nghìn tỷ”

  • MATHOA
(DS&PL) -

Với hệ thống cảng biển hiện đại cùng cơ sở hạ tầng tốt, Thanh Hoá hiện là điểm sáng thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh này. Thế nhưng, hiện nay nhiều dự án lớn đang trong tình trạng chậm, chưa triển khai gây lãng phí về tài nguyên và bức xúc trong dư luận. Trong đó có dự án hàng nghìn tỷ của công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu.

 

Quay trở về thời điểm trước đây, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, của công ty Vinaxuki Thanh Hóa được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đăng ký 1.360 tỷ đồng. Đây là dự án gửi gắm nhiều tâm huyết và tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT công ty này..

Thời điểm đó, dự án được phát triển trên khu đất gần 100 ha trên địa bàn hai xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, với mục tiêu là sản xuất, lắp ráp các loại ô tô hướng tới tối đa việc nội địa hóa, cho ra đời những sản phẩm chuẩn "Made in Việt Nam".

Cơ ngơi hoành tráng của Vinaxuki trước đây

Tuy nhiên, với việc phát sinh những khó khăn và đặc biệt là việc huy động vốn từ một số ngân hàng của công ty Vinaxuki gặp nhiều "rào cản” nên phía đơn vị này lâm vào tình trạng ngưng trệ kéo dài. Với người dân địa phương và công nhân của Vinaxuki thì đây được xem như là dấu chấm hết cho dự án sản xuất xe hơi đầy tham vọng. 

Đó cũng là một điều tiếc nuối của không ít người dân đam mê và mong ước nước ta có một sản phẩm ô tô “Made in Việt Nam” đúng nghĩa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngọn lửa làm xe ô tô trong ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT công ty Vinaxuki vẫn chưa bị dập tắt…

Dự án được hồi sinh?

Quay trở lại thời điểm hiện tại, sau khi mua lại tài sản phát mại là hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa với giá hơn 28 tỷ đồng, công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu đã được nhà nước cho thuê đất.

Nhà xưởng của Vinaxuki được công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu mua lại

Lễ khởi công cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng được tổ chức hoành tráng với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các sở, ban, ngành địa phương cùng đại diện công ty Toàn Cầu.

Lễ khởi công của Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu sáng ngày 22/2/2022

Người dân địa phương cũng vui mừng không kém bởi sau nhiều năm “đắp chiếu” thì dự án đã được hồi sinh và kỳ vọng việc triển khai dự án sẽ sớm mang lại nhiều việc làm cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Thế nhưng, trái với sự hoành tráng tại lễ khởi công và sự kỳ vọng của người dân, dự án trên vẫn không có hoạt động gì đáng chú ý. Thời gian gần đây, tại dự án, mọi hoạt động xây dựng đều không diễn ra

Ẩn số chủ đầu tư

Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu được thành lập ngày 10/10/2019 địa chỉ đăng ký số nhà 22, ngách 59, ngõ 147 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội với vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng. Chủ tịch hội đồng quản trị là ông Vũ Văn Hùng, sinh năm 1981.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm, vốn điều lệ của công ty này đã tăng lên 500 tỷ đồng. Số tiền vốn này được các thành viên góp dưới dạng tiền mặt vào quỹ.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của công ty Toàn Cầu, tại thời điểm ngày 31/12/2021, đơn vị này ghi nhận số dư tiền mặt xấp xỉ 470 tỷ đồng, chiếm gần 94% tỷ trọng tài sản toàn công ty. Việc một doanh nghiệp sản xuất nhưng lại giữ lượng lớn tiền mặt tại quỹ công ty được cho là khá bất thường.

Số dư tiền mặt xấp xỉ 470 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu

Chia sẻ về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với doanh nghiệp, yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận và sử dụng an toàn hiệu quả các tài sản luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp trên bất ngờ trữ lượng lớn tiền mặt tại quỹ cho thấy sự bất thường và có thể xem xét ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất, việc để lượng lớn tiền mặt tại quỹ đối với một doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất là rất lãng phí bởi doanh nghiệp sẽ mất một khoản tiền lãi đáng kể so với tiền gửi ngân hàng. Trong khi, hiện nay, để đảm bảo kiểm soát, minh bạch tài chính thì các giao dịch mua bán (với tổng hóa đơn trên 20 triệu đồng) phải chuyển khoản qua ngân hàng mới được tính là chi phí tính thuế hợp lệ.

Thứ hai, việc doanh nghiệp cất giữ lượng tiền mặt rất lớn tại đơn vị chắc chắn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ mất an toàn như bị trộm cắp, cháy nổ… Về nguyên tắc, đảm bảo an toàn tài sản, nhất là tiền mặt là một yếu tố được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. 

Trong khi đó, khi thành lập hoặc góp vốn vào công ty thì không cần chứng minh vốn điều lệ trong tài khoản ngân hàng. Hiện pháp luật có quy định về thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau ngày này, nếu các thành viên không góp đủ thì sẽ phải điều chỉnh về số vốn thực tế đã góp.  

Cùng với đó dù mới thành lập nhưng công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu có 5 lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp trong 3 năm gần đây.

Cụ thể, ngày 10/10/2019 thay đổi tên doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, người đại diện pháp luật, ngành nghề kinh doanh, thông tin về cổ phần cổ đông sáng lập; ngày 17/11/2020, thay đổi ngành nghề kinh doanh, thông tin về thuế; ngày 03/12/2020 thay đổi người đại diện pháp luật, thông tin về thuế, người quản lý khác; ngày 23/09/2021, thay đổi ngành nghề kinh doanh, thông tin về vốn, thông tin về cổ phần; ngày 15/10/2021 đơn vị này tiếp tục thay đổi thông tin về vốn và cổ phần.

Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu có 5 lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp trong 3 năm gần đây

Trước khi trở thành chủ đầu tư dự án sản xuất lắp ráp ô tô với vốn đầu tư được giới thiệu lên tới gần 7.000 tỷ đồng thì hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô của công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu gần như "vắng bóng" khi tiến hành các bước tìm kiếm cơ bản trên không gian mạng. 

Đáng chú ý, thông tin về tập đoàn Đầu tư Tài chính (TF Group) được cho là công ty “mẹ” của công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu cũng không có trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Tìm đến địa chỉ công ty Toàn Cầu tại số nhà 22, ngách 59, ngõ 147 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, người dân ở đây cho biết, trước có người thuê nhà tại địa chỉ này rồi gắn biển công ty nhưng đã chuyển đi từ lâu. Họ tỏ ra bất ngờ với thông tin có công ty làm dự án hàng nghìn tỷ đang hoạt động tại đây. Trước đó còn có cả lực lượng công an cũng nhiều lần vào hỏi về công ty này, người dân cho biết.

Đường dẫn vào trụ sở công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu

Người dân cho biết trước có 2 người thuê nhà tối đi bán nước giải khát nhưng đã rời đi từ lâu

Với việc chậm triển khai dự án của công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu, người dân mong muốn UBND tỉnh Thanh Hoá sớm có biện pháp đôn đốc chủ đầu tư sớm có hành động sớm đưa dự án vào hoạt động như đã thông tin. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương và tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng thời, làm rõ công tác thẩm định đánh giá năng lực của chủ đầu tư có tuân thủ đúng quy định của pháp luật hay chưa.

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về việc bàn giao đất của tỉnh đối với dự án này tại bài 3, sẽ được phát sóng vào ngày 17/4/2023.

Tin nổi bật