Theo thông tin mà phóng viên có được sau trao đổi với sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Thanh Hóa, dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng nói trên của công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu là sự tiếp nối từ dự án sản xuất lắp ráp ô tô thương hiệu Vinaxuki đang dang dở của doanh nhân Bùi Ngọc Huyên.
Cụ thể, trước đó công ty TNHH MTV Vinaxuki Thanh Hóa được tỉnh Thanh Hóa cho thuê 71,24 ha đất trên địa bàn 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc (huyện Hậu Lộc) theo Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do chậm triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng nên ngày 15/6/2018, tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi một phần diện tích đất trên (25,04ha) giao lại cho xã Đại Lộc quản lý.
Toàn cảnh nhà máy của Vinaxuki
Đối với phần diện tích đất còn lại và tài sản gắn liền trên đất hình thành trong tương lai đã được Vinaxuki thế chấp tài sản tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Thăng Long nhưng công ty không có khả năng thanh toán. Sau đó, tài sản này bị cục Thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc kê biên và phát mại tài sản sau bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả, công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu đã trúng đấu giá tài sản phát mại trên với số tiền hơn 28 tỷ đồng và chính thức nhận bàn giao tài sản tháng 12/2020. Đồng thời, công ty này đã xin tiếp tục thuê đất thực hiện tiếp nối dự án dang dở của Vinaxuki.
Trên cơ sở này, ngày 24/6/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang ký Quyết định số 2194/QĐ-UBND về việc thu hồi 456.344m2 đất của công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa) và cho công ty Toàn cầu tiếp tục thuê đất thực hiện dự án.
UBND tỉnh Thanh Hoá thu hồi đất của Vinaxuki giao cho công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê
Nhanh chóng chấp thuận chủ đầu tư dự án ô tô nghìn tỷ
Trong vòng 6 tháng, kể từ khi nhận bàn giao tài sản phát mại của Vinaxuki Thanh Hóa, công ty Toàn cầu đã được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận là chủ đầu tư mới, tiếp tục thực hiện "siêu" dự án ô tô với vốn đầu tư lên tới gần 7.000 tỷ đồng.
Lý giải về việc chấp thuận này, sở KH&ĐT Thanh Hóa cho biết, công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu được lựa chọn chủ đầu tư dự án trên cơ sở trúng đấu giá tài sản kê biên, không thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.
"Việc công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu tiếp tục thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô máy xây dựng tại xã Đại Lộc, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc được thực hiện công khai minh bạch trên cơ sở trúng đấu giá tài sản kê biên theo quy định đấu giá tài sản và quy định về thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai, không thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư". Trích theo văn bản trả lời của Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa tới Đời sống Pháp luật về dự án trên.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá
Tìm hiểu về quy trình thẩm định năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án trên, sở KH&ĐT Thanh Hóa cho rằng trách nhiệm này thuộc về sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.
Văn bản phản hồi của Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa nêu rõ:
"Năng lực tài chính để thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thẩm định (căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 58 Luật Đất đai 2013, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện: a; Có năng lực tài chính đề đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư trong quá trình tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh cho Công ty thuê đất theo Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 26/6/2021".
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá có đang "đá bóng trách nhiệm" sang Sở Tài nguyên và Môi trường?
Trong diễn biến khác, trao đổi với Đời sống Pháp luật, một lãnh đạo phòng nghiệp vụ về Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết, với chức trách, nhiệm vụ đơn vị này sẽ tham gia tham mưu trong việc đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư trong trường hợp có yêu cầu, đề xuất hỗ trợ. Tuy nhiên, với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô ở trên thì sở này không được yêu cầu hỗ trợ nên không nắm được.
Trước đó, thực trạng các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai đã làm “nóng” nghị trường trong cuộc họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa. Nhiều đại biểu đã “truy” trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ, gây lãng phí là nguyên nhân từ đâu; đất sau thu hồi sẽ sử dụng như thế nào; có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định lập dự án để chuyển nhượng nhằm tư lợi hay không; có dự án bị thu hồi do chậm giải phóng mặt bằng, mà trách nhiệm GPMB là của Nhà nước hay không; tỉ lệ các dự án thanh tra, kiểm tra còn khiêm tốn?...
Các dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai đã làm “nóng” nghị trường trong cuộc họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa-
Nguồn: Đài Truyền hình Thanh Hoá
Theo một số cơ quan Báo chí đưa tin tại cuộc họp, trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định nguyên nhân các dự án chậm tiến độ là do công tác thẩm định, nhà đầu tư yếu kém. Đồng thời, do nhà đầu tư yếu về tài chính, cá biệt, có nhà đầu tư chuyển nhượng dự án để kiếm lời. Theo ông Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có bất cứ dự án nào bị thu hồi đất do chậm hoàn thành GPMB. Về tỷ lệ số dự án được thanh tra, kiểm tra còn ít, mới chiếm 12,18%, ông Giang lý giải do số lượng cán bộ thanh tra về đất đai quá ít người (chỉ có 5 biên chế) và tránh chồng chéo với các cuộc thanh tra khác nên tỷ lệ số dự án thanh tra còn ít.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND Thanh Hoá người ký quyết định cho công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu thuê đất - Nguồn: Đài Truyền hình Thanh Hoá
Đáng chú ý trước đó, chính ông Giang là người đã ký quyết định số 2194 ngày 24/06/2021 thu hồi đất của công ty Vinaxuki Thanh Hóa cho công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu thuê đất sử dụng vào mục đích thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Huyên Chủ tịch HĐQT công ty Vinaxuki cho biết việc UBND tỉnh thu hồi đất của ông giao cho bên đơn vị khác thuê có nhiều điểm chưa đúng với quy định của pháp luật. Ông Huyên cũng cho rằng đơn vị mua lại tài sản của Vinaxuki không có năng lực sản xuất lắp ráp ô tô, họ mua với ý đồ khác.
Ông Bùi Ngọc Huyên Chủ tịch HĐQT công ty Vinaxuki tỏ ra nghi ngờ về mục đích của chủ đầu tư dự án
Nhằm làm rõ công tác chấp hành pháp luật trong thẩm định năng lực của chủ đầu tư và thủ tục bàn giao cho thuê đất liên quan đến dự án trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá để làm rõ nhưng hiện nay vẫn đang chờ câu trả lời từ các cơ quan này.
Sau khi đăng tải nhiều bài viết về dự án lắp ráp ô tô hàng nghìn tỷ “đắp chiếu” tại Thanh Hoá, dư luận và nhiều chuyên gia luật cho rằng, có nhiều điểm bất thường cần làm rõ trong việc UBND tỉnh Thanh Hoá giao đất cũng như chấp thuận việc triển khai dự án của công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu.
Một phần diện tích dự án bị đào bới nham nhở
Để có cái nhìn khách quan về việc thực hiện các quy định pháp luật của UBND tỉnh Thanh Hoá, Đời sống và Pháp luật sẽ gửi đến bạn đọc ý kiến phân tích của các chuyên gia và luật sư trong phóng sự sau.