Làng hương Quảng Phú Cầu cách trung tâm thủ đô khoảng 35 km, thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, có lịch sử làm tăm hương truyền thống suốt hơn 100 năm.
Xưa kia, nghề làm tăm hương chủ yếu chỉ phát triển ở khu vực thôn Phú Lương Thượng, sau lan rộng ra địa bàn các thôn khác, biến cả xã Quảng Phú Cầu rộng lớn trở thành một làng nghề quy mô.
Khắp các sân nhà cho đến những con đường lớn nhỏ đâu đâu cũng đỏ rực chân hương.
Những đóa hoa đỏ rực từ tăm hương
Đi qua những cung đường làng, ta sẽ thấy những bó tăm hương đỏ rực nom như “những bó hoa khổng lồ” được trải dài dọc đường, khắp bãi trống, sân đình… tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Làng hương Quảng Phú Cầu là địa điểm yêu thích của các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Không ít tác phẩm về làng hương này đã đoạt các giải thưởng lớn.
Vào những tháng cuối năm, không khí lao động tại làng Quảng Phú Cầu nhộn nhịp, khẩn trương. Mỗi người một việc, dường như đã trở thành thói quen. Những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương đều đã rất thành thạo.
Trước đây, người dân chủ yếu chẻ tăm thủ công nhưng ngày nay nhờ có máy móc nên việc chẻ tăm nhanh chóng hơn, năng suất được nâng cao hơn hẳn.
Theo ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu), hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu. Nguyên liệu chính để làm ra chân hương là cây vầu. Vầu được dùng làm chân hương phải đủ độ tuổi và được chọn lựa kỹ càng chứ không được cẩu thả.
Những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu.
Những thanh vầu nhập từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín” sau đó vớt lên, rửa sạch rồi mới cạo vỏ, xếp thành bó và phơi khô. Vầu sau đó được cho vào máy chẻ và thành phẩm là những que tăm hương đều tăm tắp.
Chân hương được nhuộm màu hồng hoặc đỏ. Theo quan niệm của người xưa, màu đỏ là đại diện cho vẻ đẹp rực rỡ của cuộc sống “Hạnh phúc, ấm no, may mắn và thành công”.
Kích cỡ chân hương cũng có nhiều loại, loại dài hơn được dùng để làm hương thắp trong đình, chùa. Còn loại chân hương nhuộm hồng với kích cỡ vừa vặn thường thấy được sử dụng trong gia đình vào các dịp lễ tết hay hôm rằm.
Nghề làm hương đen
Với gần 20 năm trong nghề làm hương cao cấp, anh Nguyễn Tiến Thi cho biết, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã làm ra 9-10 tấn hương thành phẩm. Thời điểm từ tháng 9-11 khi vào thu, có nắng nhưng không quá nóng, là thời điểm đẹp nhất trong năm để hợp tác xã tăng tốc sản xuất. Sản phẩm hương của hợp tác xã được đánh giá cao về chất lượng với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên.
Chia sẻ với báo Đời sống & Pháp luật, bà Nguyễn Thị Nghiêm – người có kinh nghiệm làm hương gần 20 năm cho biết: "Người làng Xà Cầu thường làm hai loại là hương vàng và hương đen, đều được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, không phẩm màu, chất hóa học hay cả những chất tạo tàn vòng độc hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, đặc biệt nhất vẫn là hương đen.
Hương đen được đóng gói, sẵn sàng được chuyển tới người tiêu dùng.
Nét đặc sắc của hương đen Xà Cầu là được làm từ than đen và nhựa trám. Nhựa trám sau khi mua về được lọc sạch tạp chất, rồi trộn với than đen được nghiền nhỏ, tạo thành một hỗn hợp có mùi thơm dịu mát, ngào ngạt đặc trưng chỉ có ở Xà Cầu”.
Quy trình làm hương đen bao gồm 3 công đoạn: Thứ nhất là nhập nguyên liệu bao gồm nhựa trám, than đen và tăm; công đoạn thứ 2 là se hương; công đoạn cuối cùng là phơi hương và đóng gói sản phẩm. Thay vì sấy khô, nén hương se xong cần phơi dưới nắng để giữ được hương thơm tự nhiên
Trước đây, với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Còn bây giờ, nhờ công nghệ hiện đại, các cơ sở đều đầu tư máy móc để công đoạn này nhanh hơn, năng suất tăng đáng kể.
“Cải tiến công nghệ không phải là yếu tố duy nhất để phát triển làng nghề, đầu ra tiêu thụ của sản phẩm và thị trường cũng là yếu tố quan trọng. Từ giá thành sản phẩm đến chi phí thuê nhân công, phí vận chuyển, nhập nguyên liệu đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, giữ gìn được giá trị thương hiệu, chất lượng của sản phẩm luôn luôn được đặt lên hàng đầu”, anh Thi cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nghiêm – thợ làm hương lâu năm tại Quảng Phú Cầu đang làm hương đen.
Để đưa sản phẩm của địa phương ngày một vươn xa, năm 2020, hợp tác xã đã đăng ký với huyện Ứng Hòa tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 3 sản phẩm: Hương nén, hương vòng, hương nụ Thủy Xuân Tiên, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. "Sản phẩm thượng hạng này của Quảng Phú Cầu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi bất kỳ thị trường khó tính nào”, anh Thi khẳng định.
Giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, không ít xưởng sản xuất tại Quảng Phú Cầu đã phải giảm công suất từ 20-50%. Hiện tại, việc sản xuất hương tại địa phương đã cơ bản phục hồi. Dù khó khăn, hợp tác xã vẫn phân phối hương đi được nhiều đại lý hương trên toàn quốc. Thị trường lớn nhất là Hà Nội, Thái Nguyên, Hoà Bình, Nam Định, ở khu vực miền Nam có TP. Hồ Chí Minh, An Giang,…
Nhờ nghề làm hương mà cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Đường liên xã bê tông hóa lúc nào cũng tấp nập xe vận chuyển, người phơi tăm hương, tiếng máy móc, tiếng thương lái mua bán quanh năm...
Trải qua hơn 100 năm, làng hương Quảng Phú Cầu đã có nhiều thăng trầm biến đổi, nhưng những con người nơi đây vẫn say mê, yêu mến nghề truyền thống này. Bàn tay khéo léo của người thợ vẫn cần mẫn cả ngày lẫn đêm, góp phần để những ngôi nhà, mái chùa Việt luôn nồng ấm hương thơm của những nén nhang mỗi dịp xuân về.
Mộc Miên