(ĐSPL) - Ngày 27/7, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Hoàng Văn Thanh (51 tuổi, ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn) để điều tra vụ án mạng khiến hai mẹ con tử vong.
Theo tin tức ban đầu, 9h sáng 26/7, cụ Vũ Thị Nguyệt (88 tuổi, mẹ của Hoàng Văn Thanh, ở cùng nhà) đang dọn dẹp thì bất ngờ bị Thanh vung dao chém nhiều nhát vào người, tử vong tại chỗ. Sau đó, Thanh kéo cụ Nguyệt vào một góc bếp, dùng 2 bì trấu che xác nạn nhân rồi đóng cửa đi ra ngoài.
Đến khoảng 10h sáng, bà Lê Thị Toàn (50 tuổi, vợ Thanh) đi chợ về, chuẩn bị đồ nấu ăn trưa ở sân giếng. Trong lúc chị Toàn đang thái rau bất ngờ bị người chồng cầm dao chém ngang cổ khiến chị Toàn tử vong tại chỗ. Gây án xong, Thanh kéo thi thể vợ giấu xác xuống ao và các vết máu ở hiện trường được hung thủ dùng tro phủ để che lấp. Chuyện bại lộ, Thanh đã bị bắt giữ ngay sau đó để điều tra. Kết quả giám định tử thi cho thấy, thi thể hai nạn nhân có nhiều vết chém tập trung ở vùng cổ, đầu và ngực.
Theo Đại tá Trần Văn Thực, Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa, đối tượng Hoàng Văn Thanh đã khai nhận gây ra vụ án mạng trên. Tuy nhiên, đối tượng này khai, sở dĩ có hành vi dã man trên là do bị hoang tưởng nên mới cầm dao sát hại vợ và mẹ của mình.
|
Sau khi giết vợ, Thanh ném xác xuống ao. |
Căn cứ tình trạng sức khỏe hiện nay và hồ sơ bệnh án của Thanh, cơ quan điều tra nhận định, nghi can này có tiền sử mắc bệnh rối loạn thần kinh. Theo Đại tá Thực, hiện cơ quan điều tra đã đưa nghi can Thanh đi giám định. "Nếu Thanh mắc bệnh thần kinh mà gây ra tội ác thì sẽ được sắp xếp đưa vào trại tâm thần điều trị, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc khác. Bởi khi hung thủ không làm chủ được hành vi phạm tội, rất khó có thể khởi tố", Đại tá Thực nói.
Được biết, gia đình đối tượng Thanh có 4 người con. Lúc xảy ra vụ án mạng, 4 người con đều vắng nhà. Đối tượng Thanh có tiền sử bệnh tâm thần.
Luật xưa: Thanh đã phạm vào nhóm tội "thập ác"
Đọc thông tin về vụ án trên, bất kỳ ai cũng cảm thấy rùng mình kinh sợ, bởi hành vi giết người của Thanh đã vượt trên cả pháp luật và đạo lý. Theo tình tiết miêu tả trong vụ án, sau khi có kết quả giám định, nếu đúng là Thanh bị bệnh tâm thần thì ông ta sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu không, Thanh sẽ phải đền tội vì hành vi giết người man rợ của mình.
Pháp luật ngày nay quy định là thế nhưng trong chế độ phong kiến xưa, việc xử lý người tâm thần gây án không được đề cập đến. Điều này xuất phát từ thực tế, trong xã hội ngày xưa, để chứng minh một người bị bệnh tâm thần không phải đơn giản, việc giám định cũng không được tiến hành bài bản như bây giờ. Theo tìm hiểu cả trong Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) hay Hoàng Việt luật lệ (triều Nguyễn) đều không thấy nhắc đến chi tiết này.
Trở lại vụ án trên, chiếu theo các quy định của Bộ luật Hồng Đức (triều Lê) thì hành vi giết mẹ đẻ và vợ của đối tượng Hoàng Văn Thanh đã phạm vào nhóm tội "thập ác". Đây là những tội xâm hại đến vương quyền của nhà vua, đến trật tự xã hội của Nho giáo. Theo đó, hành vi của Thanh đã phạm vào tội "ác nghịch" được xếp vào hàng thứ 4 trong 10 loại trọng tội này.
Cũng dưới cái nhìn của nhà làm luật phong kiến, "thập ác" là những trọng tội nguy hiểm nhất, và luôn đi kèm với đó là những hình phạt nghiêm khắc nhất. Tội này không được hưởng nghị giảm theo chế độ bát nghị, không được chuộc tội bằng tiền, không được hưởng chế độ đặc xá, đại xá...
Pháp luật hình sự hiện hành thể hiện tính nhân đạo nên trường hợp giám định bị bệnh tâm thần, Hoàng Văn Thanh có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu áp dụng theo Bộ luật Hồng Đức thời xưa, Thanh sẽ khó thoát khỏi án tử hình, là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt ngũ hình.