Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thái Nguyên: Nỗ lực giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau

(DS&PL) -

Xác định công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng ở nông thôn, nhất là các xã nghèo, được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng khó khăn tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể.

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo được các cấp Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội quan tâm, tham gia vào cuộc. Toàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung của Quốc gia, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 19 nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ/ĐH ngày 28/10/2015, trong đó có chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 2% trở lên; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 36-KL/TU ngày 27/6/2016 về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở Nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động tốt các nguồn lực trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 – 2020 trên 6.500 tỷ đồng (trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 607 tỷ đồng).

Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, Tỉnh đã tổ chức “Tuần cao điểm tết vì người nghèo” với phương châm “Nhà nhà đều có Tết, người người đều có Tết” nhằm huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng, người dân cùng chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống"; triển khai dự án xóa “trắng điện” tại các xóm chưa có điện trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có đảng viên được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; phối hợp với Công ty TNHH Samsung tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc tại Công ty và các công ty phụ trợ…, giúp hộ nghèo nâng thu nhập, thoát nghèo, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để giúp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức, khích lệ người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tỉnh đã chỉ đạo mạnh mẽ các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Hội đoàn thể quan tâm thực hiện truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí tỉnh thực hiện truyền thông gần 4,8 tỷ đồng để tuyên truyền các hoạt động về giảm nghèo, các chế độ, chính sách, giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn. Thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính Phủ 100% hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh được hỗ trợ, lắp đặt, bàn giao đầu thu kỹ thuật số nhằm đảm bảo người nghèo được tiếp cận thường xuyên thông tin qua truyền hình. Đồng thời tỉnh cũng dành trên 5,7 tỷ đồng để thực hiện nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giảm nghèo như: tổ chức 81 lớp tập huấn công tác giảm nghèo cho 9.790 thành viên Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo cấp huyện, cấp xã và điều tra viên; 107 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân 3 cấp  với 13.400 thành viên.

Mô hình giảm nghèo hiệu quả tại xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai)

Đối với Chương trình 135, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trước hết là hạ tầng thiết yếu, về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt… theo tiêu chí nông thôn mới. Kết quả giai đoạn 2016-2020 tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 432.938 triệu đồng. Trong đó, tỉnh đã dành 407.209 triệu đồng thực hiện đầu tư xây dựng 521 công trình cở sở hạ tầng; dành 25.679 triệu đồng thực hiện duy tu bảo dưỡng 269 công trình nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi... Việc giao cấp xã làm chủ đầu tư dự án đã giúp quản lý có hiệu quả các nguồn lực nhà nước được đầu tư tại địa phương. Các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi và góp phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Một trong những công trình ghi dấu ấn nhất chính bê tông hóa các tuyến đường giao thông lên bản đồng bào dân tộc Mông còn nhiều khó khăn ở Võ Nhai, Đồng Hỷ.

Từ năm 2016-2020 tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 535 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135. Các dự án, mô hình chủ yếu hỗ trợ bà con về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng chuồng nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người dân đã thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất mới, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tốt hiệu quả máy móc, thiết bị được hỗ trợ đầu tưđưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế như mô hình chăn nuôi gia súc, trâu, bò; gia cầm, lơn nái, dê lai sinh sản, nuôi chim bồ câu, nuôi gà ri lai…góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giúp hộ thoát nghèo bền vững. Kết thúc mô hình 2016-2018 có trên 60% số hộ thoát nghèo, trung bình mỗi năm toàn tỉnh cũng giảm từ 3% đến 4% hộ nghèo là người DTTS.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính Phủ. Với sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo chỉ đạo nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng năng suất, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn; Ban hành chính sách hố trợ nguồn lực kinh phí để dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả trong 5 năm 2016-2020, toàn tỉnh tạo việc làm cho 107.606 lao động, bình quân 21.521 lao động/năm vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh (chỉ tiêu là 15.000). Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 58,01% cuối năm 2015 lên 68,6% cuối năm 2020 đạt 70% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra).

Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn ở huyện Phú Lương

Bên cạnh việc thực hiện các chương trình, dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tương đối toàn diện, đồng bộ các chính sách giảm nghèo chung nhằm cải thiện điều kiện sống và tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo như: Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãicấp thẻ BHYT, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trong giáo dục-đào tạo, hỗ trợ tiền điện, làm nhà ở... Năm 2016-2020, có 63.554 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất với tổng số tiền cho vay 2.809.813 triệu đồng; Toàn tỉnh đã tổ chức mua, cấp phát 1.642.242 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí cấp thẻ 1.113.118 triệu đồng. Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh năm 2020 lên 98,5%; Tỉnh cũng hỗ trợ 4.294 hộ nghèo về nhà ở, trong đó 2.057 hộ được hỗ trợ về nhà ở theo quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính Phủ, 2.237 nhà từ các chương trình khác với tổng kinh phí thực hiện 154.061 triệu đồng…

Có thể nói, trong 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành trung ương; sự nỗ lực, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương cũng như sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp, công tác giảm nghèo của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, tỉnh đã thành công khi huy động được sự đóng góp của người dân, của các doanh nghiệp hỗ trợ công tác gìảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,06%/ năm và tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 vẫn diễn ra phức tạp và kéo dài, để công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và lãnh đạo chỉ đạo theo định hướng trong thời gian tới về giảm nghèo là: “Toàn diện hơn, công bằng hơn, bền vững hơn và hội nhập hơn”  với các giải pháp trọng tâm như sau: (i) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác giảm nghèo; xác định mục tiêu giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các địa phương; (ii) Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Giúp hộ nghèo theo địa chỉ”; (iii)  Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo; quan tâm tạo điều kiện và có cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giới thiệu người nghèo đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; (iv) Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có tinh thần trách nhiệm, có năng lực để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; (v) Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội để thực hiện cộng tác giảm nghèo: tuyên truyền vận động nhân dân và các doanh nghiệp đóng góp ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo ”, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”. Có chính sách định hướng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề phù hợp với người lao động ở các vùng nghèo, địa bàn nghèo nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo.

Hà Anh

 

 

Tin nổi bật