Theo đó, bộ TN&MT phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản (thời hạn 1 năm) khu vực khai thác than mỡ bằng phương pháp lộ thiên mỏ Bắc Làng Cẩm (khu Âm Hồn), xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Mục đích nhằm bảo vệ phần khoáng sản chưa khai thác thuộc phần diện tích dưới mức 230m; thanh lý tài nguyên thuộc phần diện tích đã khai thác hết trữ lượng (đến thời điểm đóng cửa mỏ).
Tổng diện tích khu vực đóng cửa mỏ là gần 186ha, trong đó diện tích moong khai thác (hơn 92ha); diện tích bãi thải (hơn 93ha).
Toàn bộ diện tích sau đóng cửa mỏ sẽ bàn giao cho UBND tỉnh Thái Nguyên quản lý theo quy định.
Mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: TN&MT)
Bộ TN&MT yêu cầu công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ khối lượng của từng hạng mục công việc theo tiến độ của đề án đóng cửa mỏ; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường; quản lý, bảo vệ tài nguyên than mỡ còn lại chưa được huy động khai thác trong phạm vi ranh giới khu vực khai thác đã được cấp phép.
Thu hồi, quản lý, sử dụng khối lượng than mỡ nằm xem kẹt trong đất đá trong quá trình san gạt, cải tạo các tuyến đường và các hạng mục thi công của đề án; báo cáo Tổng cục Địa chất Khoáng sản (bộ TN&MT) khi hoàn thành đóng cửa mỏ.
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát quá trình thực hiện công tác đóng cửa mỏ và giám sát việc thu hồi khối lượng than mỡ nằm xen kẹt trong quá trình đóng cửa mỏ phát hiện thấy; kịp thời ngăn chặn và xử lý các hiện tượng khai thác, thu hồi và huy động khối lượng than mỡ còn lại (dưới mức – 230m) trong khu vực đóng cửa mỏ.
Mỏ than Phấn Mễ là mỏ than mỡ có trữ lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) từ ngày 10/1/1979.
Trước đó, vào 4h sáng 15/4/2012, tại bãi thải số 3 công ty Than Phấn Mễ đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 6 người chết, 1 người bị thương, vùi lấp 10 nhà dân cùng nhiều tài sản khác.
Việt Hương (T/h)