Theo thông tin từ báo Sài Gòn giải phóng, đàn khỉ vàng (tên khoa học là Macaca mulatta) được thả tại lâm phần Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 8 cá thể, gồm 4 con đực, 4 cái, thuộc nhóm IIB (nhóm nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt). Thời điểm thả, các con khỉ sức khoẻ bình thường.
Đàn khỉ được đưa về thả ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: SGGP
Trước đó đàn khỉ này sống trong môi trường tự nhiên ở đảo Hòn Trà (thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Khu vực cư trú của đàn khỉ tách biệt trên đảo Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5 ha và nằm giữa cửa sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần, cách khu dân cư gần nhất khoảng 200 m nên khó khăn về môi trường sống, hoạt động kiếm ăn theo bản năng sinh tồn.
Mục đích việc di dời đàn khỉ quý hiếm tại đảo Hòn Trà về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là để tạo điều kiện cho đàn khỉ tiếp tục sinh trưởng, phát triển trong môi trường sinh thái tự nhiên, phù hợp hơn với đặc điểm của loài và hạn chế giao phối cận huyết.
Bên cạnh đó, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột giữa đàn khỉ và con người ở khu vực xung quanh đảo Hòn Trà, bởi tập tính của loài khỉ và diện tích đảo quá nhỏ, nên nguồn thức ăn tự nhiên không đủ khi số lượng cá thể khỉ ngày càng tăng theo tự nhiên. Đồng thời, ngăn chặn nguy cơ xảy ra các hành vi săn bắn, bẫy, bắt trái phép các cá thể khỉ tại đảo Hòn Trà.
Cán bộ của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) thả khỉ về rừng. Ảnh: SGGP.
Trước đó, để di dời đàn khỉ được an toàn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành cùng lúc 2 phương pháp: phương pháp đặt bẫy lồng kết hợp với phương pháp trộn thuốc mê vào thức ăn. Cả 2 phương pháp này đều sử dụng thức ăn để dẫn dụ khỉ. Khi cá thể khỉ ngấm thuốc mê, cán bộ chuyên môn đã dùng vợt bắt nhốt vào lồng và vận chuyển về thả trong môi trường tự nhiên phù hợp với giống loài khỉ tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, theo báo Gia Lai.
Thùy Dung (T/h)