Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tết không chồng của hàng trăm “thân cò” vác đá lạnh mưu sinh

(DS&PL) -

Mỗi độ Tết về, những người đàn bà góa chồng vùng ven biển lại đau đáu nỗi lo làm sao có một cái Tết đầy đủ cho các con, làm sao có tiền sắm sửa mọi thứ trong nhà.

Mỗi độ Tết về, những người đàn bà góa chồng vùng ven biển lại đau đáu nỗi lo làm sao có một cái Tết đầy đủ cho các con, làm sao có tiền sắm sửa mọi thứ trong nhà. Lo gấp bội lần khi họ không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh có khi chỉ vài chục nghìn đồng/ngày.

Vì cuộc sống mưu sinh, họ bất chấp công việc nặng nhọc, vất vả.

Cái danh làng không chồng vác đá lạnh


Tìm về xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, được mệnh danh là xứ không chồng “làng góa phụ”. Cũng chả tự nhiên người ta lại đặt cái tên như vậy, bởi lẽ, gần 25 năm về trước, cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ đã cướp đi gần 200 người đàn ông trong làng chài khi họ đang lênh đênh trên những con tàu, con mảng. Từ đó đến nay, năm nhiều năm ít những người đàn ông ra khơi chẳng bao giờ trở lại với đất liền để lại cuộc sống cô quạnh, nhọc nhằn cho bao người phụ nữ nơi này, những người vợ trở thành góa phụ, thành trụ cột chính trong gia đình với mẹ già và con nhỏ.

Không thể đi xa làm việc, ruộng không có, vác đá lạnh, cào ngao, nhặt tôm... thuê là công việc mặc dù ít tiền, vất vả nhưng họ vẫn phải làm, vì miếng cơm hàng ngày. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trên vai những viên đá lạnh nặng hàng chục cân chuyển từ trên đê xuống tàu cho hành trình đi xa đánh bắt cá.

Theo bà Nguyễn Thị Bắc (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), nghề vác đá lạnh xuất hiện từ bao giờ chẳng ai còn nhớ, chỉ biết rằng, khi tàu về, họ khiêng cá về kho đông lạnh, tàu đi, họ khiêng thực phẩm, đồ dùng, đá xuống tàu.

Chị Hoàng Thị Xuân, 42 tuổi, xã Hải Lộc, phu vác đá lạnh chia sẻ: “Mặc dù buốt vai, nhưng vì đồng tiền nuôi sống cả nhà, chúng tôi vẫn phải làm, cũng phải cắn răng chịu đựng, khổ nhất là vào mùa đông này, có hôm gió biển thốc vào người cộng với cái lạnh của nước đá khiến ai nấy đều run cầm cập”.

Cái lạnh sáng sớm mùa đông lúc 8h sáng người đi đường với nhiều lớp áo còn thấy ớn lạnh, ấy vậy mà những người phụ nữ ngoài tuổi tứ tuần vẫn cứ tay không bốc từng tảng đá lạnh buốt tay. Những đôi tay chai sần bốc từng tảng đá lạnh lội nước xếp xuống thuyền khiến nhiều người không khỏi xót thương nỗi khó khăn, vất vả của những con người nơi miền quê biển này...

Theo chị Xuân, các tàu cá ra khơi không theo giờ nhất định, mà phụ thuộc vào con nước lên xuống, phụ thuộc vào thời tiết. Bất kể khi nào tàu đến, tàu đi là họ lại vội vã ra biển. Thông thường, vào mùa này, mỗi tàu cần 1 – 1,5 tấn đá để ướp hải sản cho chuyến đánh bắt hàng tuần trời. Mỗi cây đá vận chuyển từ đê xuống thuyền được trả 5.000 đồng, nếu ngày nào thuyền đi đông cần nhiều đá thì thu nhập của mỗi người khoảng 200.000 – 300.000 đồng, có nghĩa một ngày họ phải vác trên vai 40 – 60 cây đá. Để tránh trơn trượt, tất cả những người làm nghề vác đá đều phải đi giầy hoặc dép nhựa, do suốt ngày ngâm nước biển mặn nên bàn chân nhiều người bị bọng nước, lở loét...“Những hôm biển động, thuyền về neo 2-3 ngày là chúng tôi không có thu nhập, có những ngày không có tiền đong gạo”, chị Xuân ngậm ngùi cho hay.

Nghề vác đá lạnh vốn đòi hỏi sức khỏe, nhưng phần lớn trong số những người làm nghề này đã ở cái tuổi ngoài tứ tuần. Họ không có nhiều nghề để lựa chọn khi mà ở vùng quê đất chật người đông này, không một mét đất ruộng, chủ yếu sống dựa vào nghề biển.

Nghề này tưởng đơn giản chỉ cần sức khỏe, nhưng theo những phu đá ở đây, nếu không có kinh nghiệm sẽ dễ bị thương vì đá rơi trúng chân hay dễ vấp phải những vỏ sò, vỏ hến... Môi trường và tính chất công việc vẫn được họ gọi chung là “bán sức khỏe, mua bệnh tật”.

Chông chênh phận đàn bà góa

Nhắc đến Tết, trên khuôn mặt của những người phụ nữ mưu sinh bằng việc vác đá lạnh hằn lên nỗi lo lắng, đặc biệt những người góa chồng nuôi con.

Năm năm bén duyên với cái nghề lạnh lẽo này, cũng là từng ấy năm bà Vương Thị Tuyết (50 tuổi, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc) không còn được nhìn mặt chồng, cũng là ngần ấy năm, bà lăn lộn đủ nghề nuôi 3 con ăn học đàng hoàng đến nơi đến chốn. Bà Tuyết kể: “Từ khi chồng tôi mất, tôi làm đủ nghề, nhưng vác đá lạnh là chính, đến nỗi làm nghề này nhiều, mỗi khi trái gió trở trời xương khớp lại nhức mỏi, đầu đau như búa bổ. Nhưng không làm thì không có gì nuôi sống cả gia đình. Bị thương mãi rồi cũng quen, rách thịt xong lại lành. Mệt thì nghỉ một buổi, chứ không dám nghỉ dài. Một ngày nghỉ là mất hàng trăm ngàn, tiền ăn uống, sinh hoạt, ngày sau làm bù mệt hơn”.

Dù là nghề cực nhọc và thu nhập bèo bọt nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Có những hôm tàu vào làm không hết việc, nhưng cũng có ngày, các phu đá ngậm ngùi đi về tay không. Đó là chưa kể khi trời trở mùa, mưa bão triền miên ở nhà cả tháng là chuyện bình thường. “Đặc biệt những ngày giáp Tết tàu đi càng ít, thu nhập chúng tôi lại không có, để lo được cái tết cho các con đầy đủ, chúng tôi đi chạy vạy khắp nơi cũng không đủ. Ngày thường còn chả đủ ăn, huống gì ngày Tết”, bà Tuyết cười trong lo lắng khi nhắc đến Tết.

Chung số phận, chị Nguyễn Thị Cúc (43 tuổi, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) nhắc lại quá khứ: “Năm 2008, chồng chị đi thuyền đánh bắt rồi bị nạn, mãi mãi không trở về bỏ lại chị với 2 con nhỏ, đứa thứ hai mới được 4 tháng tuổi. Chồng mất, con nhỏ, mẹ già, chị phải gồng mình đứng dậy làm trụ cột gia đình nuôi các con có bữa ăn hàng ngày”.

Mới ngoài 40 tuổi nhưng nhìn chị Cúc khắc khổ như đã ngoài 50. Cái nắng, cái gió của vùng biển cộng với những lo toan vất vả khiến chị già hơn tuổi rất nhiều. Hỏi tại sao chị không tìm công việc nhẹ nhàng hơn, chị cười xòa, nhà còn con nhỏ, mẹ già, nếu đi làm xa thì không ai chăm sóc gia đình cả, bắt buộc chị Cúc phải kiếm công việc gần nhà, mà đàn bà vùng biển chỉ biết bóc tôm, bóc ghẹ, chạy chợ... nhưng vẫn không đủ tiền để lo cuộc sống hàng ngày cho gia đình và cho các con đi học, chỉ có nghề vác đá lạnh này tuy nặng nhọc nhưng là nghề có tiền nhất. Chị muốn nuôi con ăn học tới nơi tới chốn, để sau này chúng có công ăn việc làm không phải khổ sở như bố mẹ nó.

“Việc kiếm tiền của chúng tôi hạn hẹp, những năm trước cứ gần Tết là tôi chẳng dám nghĩ đến, bởi ngày thường 4 mẹ con bà cháu còn phải nghĩ hôm nay có tiền đong gạo không. Tết năm nay chỉ mong được ăn cơm đầy đủ là vui lắm rồi”, chị Cúc nhớ lại.

Theo chị Cúc, thường thì những ngư dân sẽ nghỉ Tết sớm, có thuyền 23 tháng Chạp đã nghỉ, chính vì thế đến gần Tết hầu như không có việc làm, nhà có chồng còn đỡ vì có người phụ giúp, những hoàn cảnh tương tự chị Cúc thì nghĩ đến đã thấy não lòng. Với chị năm nay cũng không khấm khá gì, vì năm nay thuyền lại về neo sớm, các chủ tàu như mọi năm nghỉ Tết sớm, và lâu, thường đến ngoài mùng 10 mới có lác đác thuyền ra khơi.

“Ngày thường thuyền đi đông, một mình tôi cũng vác hơn 100 cây đá. Hơi lạnh phả ra khiến đầu óc lú lẫn, lúc nhớ lúc quên. Tuy nhiên thời gian gần đây, lại sắp Tết biển thì cạn luồng, tàu bè ít vươn khơi. Vì thế, những người làm nghề như chúng tôi cũng “đói” việc làm. Nghĩ đến Tết làm gì cho mệt, được ngày nào hay ngày ấy. Mà làm cái nghề này được vất vả là còn may”, chị Cúc cười tặc lưỡi khi nghĩ về Tết.

Lê Liên

Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số gộp: 7 số: Số 11+12+13+14 + Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

Tin nổi bật